Thứ Hai, 25/11/2024 03:22 (GMT +7)

Tự chủ bệnh viện: Ranh giới mong manh giữa đổi mới và lạm thu

Thứ 3, 05/11/2019 | 15:21:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Nếu để 2 lĩnh vực “tiền vệ” là y tế và giáo dục được tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ cho xã hội.

Trong bối cảnh, ngân sách giảm, Bệnh viện K thực hiện tự chủ tài chính (một phần kinh phí chi thường xuyên) vào năm 2016. Chỉ một năm sau đó, bệnh viện chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn (toàn bộ kinh phí chi thường xuyên). Được “cởi trói” về cơ chế tài chính để lấy thu bù chi khi không còn được cấp ngân sách, bệnh viện đã đổi mới toàn diện để thu hút người bệnh, góp phần tăng nguồn thu nhằm tái đầu tư và nâng cao đời sống. Cũng từ đây, nguồn thu của bệnh viện tăng vọt.

Năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khoảng 1000 tỷ đồng mỗi năm và mới đây được Bộ Y tế chọn là một trong 4 bệnh viện được thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: “Bệnh viện được thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện thì cơ chế phân cấp, phân quyền về đầu tư, mua sắm được nới rộng hơn. Bệnh viện được quyết định đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C sau khi được Bộ Y tế phê duyệt chủ trương đầu tư, được áp dụng tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công để làm cơ sở đầu tư, mua sắm, thuê tài sản để phục vụ quản lý và nâng cao chất lượng chuyên môn, được quyết định cấu hình, tính năng, cấu hình trang thiết bị y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn và an toàn người bệnh”.

Không nên doanh nghiệp hóa, tư nhân hóa bệnh viện.(Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, mặt trái của tự chủ bệnh viện đã và đang bộc lộ rõ nét. Lo ngại nhất là tình trạng lạm dụng chỉ định, lạm dụng xét nghiệm mà cơ quan giám sát rất khó “chỉ mặt” vì đòi hỏi phải có chuyên môn sâu và hiện chưa có hội đồng độc lập để xác định một cách khách quan.

Ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y chia sẻ, từ thực tế điều trị bệnh tim mạch nhiều năm, ông từng bị bệnh nhân oán trách vì chỉ định dùng thuốc mà không phẫu thuật. Trên thực tế, mức độ bệnh chỉ cần điều trị bằng thuốc, chưa đến mức phải mổ, nhưng trong một lần bệnh nhân đến khám thêm ở một bệnh viện tự chủ tài chính hoàn toàn thì bác sĩ tại đây lại yêu cầu phẫu thuật.

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng tự chủ bệnh viện công dễ dẫn đến lạm dụng chỉ định để tăng nguồn thu: “Với cơ chế tự chủ toàn diện, các bệnh viện càng lao vào các kỹ thuật khó, đắt tiền, các xét nghiệm khó, cao cấp. Người bệnh hiện nay rất hoang mang. Đến bệnh viện A thì bác sĩ bảo không cần can thiệp gì, không cần mổ. Đến bệnh viện B thì bác sĩ bảo nên mổ. Đến bệnh viện này yêu cầu làm 1 loại xét nghiệm, đến bệnh viện kia lại bảo phải làm 2 loại xét nghiệm”.

Y tế công lập từ lâu đã có tình trạng 1 bệnh viện 2 “chế độ”: công- tư. Lãnh đạo Bộ Y tế từng thốt lên một nghịch lý, bệnh viện tuyến trên muốn quá tải bệnh nhân, mở rộng cả những kỹ thuật mà tuyến dưới đã làm được để tăng nguồn thu. Chậm ứng dụng công nghệ thông tin và trì hoãn cải tiến quy trình chữa bệnh, những bệnh viện lớn hoàn toàn có thể làm cho khu vực khám bảo hiểm y tế trở nên quá tải, tắc nghẽn, người bệnh phải chờ đợi lâu, từ đó buộc phải bỏ tiền túi ra sử dụng dịch vụ theo yêu cầu với giá cao hơn.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các bệnh viện còn có nhiều hình thức lạm dụng khác để tăng nguồn thu.

“Tình trạng thu gom bệnh nhân xảy ra ở cả bệnh viện công lập, điển hình là khối y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Trên hệ thống thông tin giám sát điện tử, chúng tôi còn phát hiện ra là có hiện tượng cắt tử cung rồi vẫn thanh toán chi phí dịch vụ đẻ, mổ phaco 3 mắt cho một người, nhưng đến khi chúng tôi yêu cầu giải trình thì bệnh viện nói rằng do dữ liệu nhầm”, ông Phạm Lương Sơn nói.

Mới đây nhất, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa Định Hóa (Thái Nguyên) bị phát hiện thu tiền trái quy định. Cụ thể chi phí xét nghiệm máu được niêm yết là 150.000 đồng, nhưng bệnh nhân phải nộp trực tiếp cho khoa 350.000 đồng, không qua kế toán, thu ngân và không có biên lai thu tiền.

Ông Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Định Hóa đã thừa nhận, việc thu thêm tiền sai quy định này diễn ra từ năm 2018. Cơ quan chức năng đang làm rõ khoản tiền thu trái phép trong gần 2 năm qua là bao nhiều…

Đây cũng là một trong những minh chứng cho nhận định của ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình: “Qua thực tế giám sát cùng Đoàn Giám sát của Quốc hội, chúng tôi ghi nhận, có những cơ sở đã gây hậu quả tiêu cực, phổ biến là lợi dụng sự tin tưởng của người dân đã thu thêm tiền của bệnh nhân. Chưa kể còn lạm dụng dịch vụ y tế kĩ thuật cao, ứng dụng cung ứng dịch vụ thuốc là không cần thiết gây tốn kém chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân”.

Tại tuyến dưới, tình trạng lạm dụng thể hiện ở chỗ bệnh viện tìm mọi cách để giữ chân bệnh nhân. Hiện, tất cả các bệnh viện đã được tự chủ tài chính, nếu dễ dàng cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên thì sẽ giảm nguồn thu và trường hợp một gia đình ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội tố Bệnh viện Đa khoa Vân Đình không cho chuyển tuyến, chẩn đoán sai khiến bệnh nhi 10 tuổi tử vong cuối tháng 6 vừa qua là một ví dụ.

Ngoài ra, không ít bệnh viện còn tăng nguồn thu bằng cách lạm dụng điều trị quá dài ngày so với mức cần thiết, cho bệnh nhân sử dụng thuốc quá nhiều so với nhu cầu thực tế, thậm chí làm cho người bệnh phải lệ thuộc vào nhóm thuốc nào đó ngoài danh mục bảo hiểm hoặc chỉ có trong nhà thuốc của bệnh viện…

Trong lần trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận thực tế này: “Khi tự chủ thì phải có nguồn thu và thu nhiều trong khi mức bảo hiểm chỉ thanh toán được mức tối thiểu, bởi vì mệnh giá có 800.000 đồng. Cho nên có tình trạng lạm dụng kĩ thuật, có thể là chỉ định không cần thiết. Hai là kê đơn thuốc ngoài doanh mục bảo hiểm thanh toán rất nhiều”.

Cơ chế tự chủ phần nào giúp các bệnh viện chủ động hơn, đổi mới hơn để người bệnh được hài lòng. Tuy nhiên, nếu không minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ thì việc tự chủ toàn diện sẽ không chỉ phát sinh tình trạng lạm dụng trong điều trị mà còn dẫn tới doanh nghiệp hóa bệnh viện, với xu hướng tận thu, chạy theo đồng tiền, chăm chăm phục vụ người giàu mà bỏ người nghèo lại phía sau, đi ngược lại một nền y tế công bằng, vì dân và trái với mục tiêu phát triển bền vững./.

Theo Văn Hải/VOV1

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu