Tuần qua, thị trường vàng trải qua các phiên “nóng-lạnh” thất thường, nhưng cả tuần, vàng SJC vẫn lên giá gần 1 triệu đồng/lượng.
Ngay từ phiên đầu tuần, giá vàng đã có dấu hiệu tăng mạnh sau khi các nguồn tin cho hay Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ có khả năng sẽ không tăng lãi suất trong tháng nay, thậm chí trong cả năm nay. Ngay trong phiên giao dịch hôm thứ 2 (4/7), giá vàng buổi sáng và buổi chiều đã chênh lệch hơn 1 triệu đồng/lượng, đứng vững ở mốc 36,45 – 36,75 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý nhất là 2 phiên giao dịch giữa tuần (ngày 6 – 7/7) khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục “nhảy múa” với tốc độ gia tăng chóng mặt. Theo báo cáo công bố ngày 7/7, tăng trưởng việc làm của lĩnh vực tư nhân của Mỹ trong tháng 6/2016 tốt hơn dự đoán, gia tăng áp lực lên giá vàng.
Khóc cười vì vàng
Trong phiên giao dichj ngày 6/7, giá vàng tăng “điên cuồng” tới 3 triệu đồng/lượng, đạt đỉnh 40 triệu đồng/lượng. Theo đà tăng giá chóng mặt trên thị trường vàng trong nước và thế giới, người dân Hà Nội đi mua vàng tích trữ và mong “kiếm chác” theo kiểu kinh doanh “lướt sóng”.
Các cửa hàng kinh doanh vàng bạc được cho là “trúng đậm” khi lượng mua vào luôn gấp 3 – 4 lần các giao dịch bán ra. Chốt lời trong ngày 6-7/7 có thời điểm “kiếm” hàng triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư vàng nào cũng gặp may mắn bởi có người “khóc dở mếu dở” khi bị “chậm chân”, mua vàng lúc giá “đỉnh” và vội vàng bán tháo khi phiên hôm sau giá vàng lao dốc không phanh.
Trong phiên 8/7, có lúc giá vàng lao dốc gần 25 USD, từ sát 1.360 USD xuống chỉ còn 1.335 USD. Theo đó, giá vàng trong nước cũng “bốc hơi” mạnh, nhanh chóng rời khỏi đỉnh 40 triệu đồng/lượng xuống còng dưới 38 triệu đồng/lượng khi chốt phiên cùng ngày.
Khác với những đợt tăng trước, trong đợt sốt giá này, biên độ giao động rất lớn nhưng thời gian lại quá nhanh khiến nhiều người chưa kịp xoay trở với số vàng vừa cầm chưa “nóng tay”, cũng như đã tích trữ trước đó.
Kể từ khi nổ ra sự kiện Brexit – người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) – giá vàng đã tăng hơn 100 USD mỗi ounce.
Mở cửa phiên cuối tuần (9/7), giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm 0,1% xuống 1.358,87 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 8/2016 trên sàn Comex giảm 0,3% xuống 1.358,4 USD/ounce. Mặc dù vậy, kết thúc tuần, giá vàng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Tại Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vàng ngày 6/7 chiếm khoảng 70% lượng khách giao dịch
(Ảnh: Trần Ngọc)
Tại Việt Nam, sau 3 ngày biến động liện tục, giá vàng trong nước từ mức thấp hơn giá thế giới nhảy lên cao hơn cả triệu đồng. Trong phiên ngày 8/7, vàng lại quay về thấp hơn giá thế giới như vốn có, và chênh lệch mua bán vẫn rộng khiến phần lớn dân lượt sóng cũng chỉ dám đứng yên quan sát mà không dám mua thêm.
Sáng nay (9/7), giá vàng SJC đảo chiều tăng nhẹ, lên mức 37,7 triệu đồng một lượng ở chiều bán ra. Nhưng mức này cũng chỉ tương đương với giá khởi đầu nổi sóng của kim loại quý này.
Vì sao giá vàng “nhảy múa”?
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu do tác động tâm lý của thị trường sau sự kiện Brexit.
Đối với thị trường trong nước, từ chiều 5/7 đến 6/7, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Trao đổi trên Zing.vn, TS Nguyễn Thế Hùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, người có 20 năm nghiên cứu về vàng và nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn chuyên về xuất nhập khẩu vàng MKS Finance SA tại Việt Nam, khuyên người dân nên bình tĩnh trước sự biến động quá mạnh quá giá vàng.
Ông Hùng nhận định, đã có sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong vòng một tuần qua. Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra lên tới một triệu đồng thể hiện sự bất thường, không hợp lý ở góc độ thị trường. Chênh lệch này cũng giúp các cơ sở kinh doanh vàng kiếm lời.
Vị chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét lại biến động này, để có những điều chỉnh cho hợp lý. TS Hùng cũng nhắc lại lịch sử giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng một lượng ở thời điểm năm 2011 thì đã có sự đổ xô đi mua vàng, và sau đó giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng.
Có nên mua vàng lúc này?
Mặc dù giá vàng có xu hướng giảm trong ngày hôm nay. Nhưng hiện tại giá vàng thế giới cũng như trong nước đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là chênh lệch mua bán của vàng miếng SJC khá lớn nên không cẩn trọng sẽ gánh chịu rủi ro.
Qua báo chí, ông Nguyễn Thành Long – chủ tịch Hiệp hội Vàng VN khuyên :“Kinh nghiệm cho thấy giá vàng biến động rất thất thường. Sau khi thỏa mãn ở mức giá nào đó, giới đầu cơ sẽ bán chốt lời. Khi đó nguồn cung tăng lên, giá vàng sẽ “mềm” trở lại. Người dân cần thận trọng, không nên đua theo giá vàng dễ rơi vào bẫy”.
Theo ông Long, nếu người mua vì mục đích kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm, năm ăn năm thua, tức có thể lãi cao nhưng cũng có thể thua lỗ nặng. Còn mua tích trữ lúc này là không nên vì với tình hình giá vàng hiện nay chưa biết ra sao.
Trong quá khứ, giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng/lượng ở thời điểm năm 2011. Thời điểm đó, người đân đổ xô đi mua vàng. Sau đó, giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng khiến không ít người lỗ nặng. Giá vàng lại trở về mốc xuất phát chỉ sau hai ngày tăng nóng. Cơn sóng bất chợt này khiến cho nhiều người tiếc nuối khi không kịp giải thoát số vàng đã mua trong quá khứ.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết: “Sau một thời gian đầu hưng phấn với giá tăng mạnh thì người mua đã bình tĩnh hơn. Quan sát thấy trong những ngày trước thì giao dịch mua bán sôi động phần lớn là dựa vào tâm lý.
Tuy nhiên, NHNN đã có động thái để kìm hãm, ngăn việc mua bán theo tâm lý hưng phấn thái quá. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng bị kích động bởi các chiêu thổi giá của giới đầu cơ hay doanh nghiệp. Vì vậy sẽ phải tìm hiểu kỹ có những biện pháp xử lý triệt để tránh việc gây nên những cơn sốt tương tự./.
Ý kiến ()