Thứ Sáu, 22/11/2024 07:49 (GMT +7)

Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem và Pentaxim là “tương đương”

Thứ 6, 01/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Nhân viên y tế tiêm chủng cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình khan hiếm vắcxin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim), hiện nay nhiều bà mẹ vẫn băn khoăn về chất lượng vắcxin Quinvaxem trong Chương tình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ.

Để giải đáp những băn khoăn, lo lắng của các gia đình và cộng đồng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về vắcxin Quinvaxem.

– Thực tế hiện nay, vẫn có một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng, vậy trẻ tử vong sau khi tiêm chủng thường do những nguyên nhân nào, thưa bà?

– Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Vắcxin sử dụng để tiêm chủng cho người khỏe (để phòng bệnh) nên nếu bị rủi ro thì luôn luôn khiến cộng đồng quan tâm. Khác với thuốc chữa bệnh thường dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, vắcxin được dùng cho số đông đối tượng, chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn những tháng đầu đời, trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng. Vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Thực tiễn triển khai vắcxin ở Việt Nam với khoảng 600 triệu mũi tiêm vắcxin các loại trong 30 năm nay cho thấy tai biến xảy ra sau tiêm vắcxin là hãn hữu. Điều này đã minh chứng rất rõ tính an toàn của vắcxin.

Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng, mỗi cơ thể có phản ứng với vắcxin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắcxin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắcxin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắcxin bình thường. Đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.

Sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc dai dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, li bì… và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.

– Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lo ngại về việc vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng cao, trong khi vắcxin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ lại chưa ghi nhận nhiều trường hợp tai biến sau tiêm tại Việt Nam. Bà có thể cho biết rõ về tính an toàn của vắcxin Quinvaxem so với các vắcxin dịch vụ?

– Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng:
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, vắcxin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắcxin chứa thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng của vắcxin ho gà vô bào và toàn tế bào là tương đương nhau.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 100.000 đến 200.000 liều vắcxin ho gà vô bào được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Con số này thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem được triển khai hàng năm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

Theo đánh giá năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắcxin Quinvaxem tại Việt Nam cho thấy có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắcxin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này; chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Khác nhau cơ bản giữa vắcxin Quinvaxem với các vắcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khác chính là thành phần ho gà toàn tế bào. Vắcxin này gây nhiều phản ứng hơn vô bào, tuy nhiên chỉ ở phản ứng mức độ nhẹ và trung bình. Các phản ứng mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai đều tương đương nhau. Các thành phần khác gần như tương đồng.

Vắcxin cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắcxin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn đều có thể xảy ra với bất kỳ thuốc hoặc vắcxin nào ở một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong vắcxin.

Trên thế giới một số vắcxin có thành phần ho gà vô bào cũng đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại một số nước và đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau tiêm vắcxin có thành phần ho gà vô bào. Vắcxin Pentaxim kết quả ghi nhận sau sử dụng vắcxin này cho thấy các trường hợp khóc nhiều dai dẳng chiếm 5,3%, nôn 16%. Tỷ lệ các phản ứng này gần như tương đương với vắcxin ho gà toàn tế bào.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PlosOne thì tại Italy đã có 1,5 triệu mũi tiêm vắcxin Infarix Hexa (6 trong 1) được thực hiện trong giai đoạn từ 1999-2004 và ghi nhận 21 trường hợp tử vong đột ngột trong vòng 15 ngày sau tiêm vắcxin này.

– Bà có thể cho biết hiệu quả phòng bệnh của vắcxin ho gà vô bào và vắcxin ho gà toàn tế bào khác nhau như thế nào?

– Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Thành phần ho gà khác nhau là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn) và toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn). Việt Nam đang sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và đã tạo ra được nền miễn dịch cộng đồng vững chắc, tác nhân gây bệnh không lây lan. Miễn dịch cho cộng đồng của vắcxin ho gà vô bào là không mạnh bằng vắcxin công nghệ toàn tế bào.

Việc chuyển đổi từ vắcxin toàn tế bào sang vắcxin vô bào có thể liên quan với sự tái bùng phát của bệnh ho gà tại một số nước phát triển, những người đã tiêm vắcxin vô bào nên tiếp tục tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Vụ dịch 2010 tại California (Mỹ) hay vụ dịch năm 2009-2011 xảy ra tại Queensland (Australia) cho thấy trẻ đã từng tiêm ho gà vô bào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ đã tiêm ho gà toàn tế bào và trong trường hợp tiêm thay thế nhau (từ ho gà vô bào sau đó chuyển sang toàn tế bào hoặc ngược lại), nếu mũi đầu tiên là ho gà toàn tế bào hiệu quả bảo vệ sẽ cao hơn so với lịch ho gà vô bào.

Như vậy, ngoài việc không bảo vệ được cho cộng đồng, tiêm vắcxin ho gà vô bào cũng không bảo vệ chính người được tiêm như ho gà toàn tế bào trong trường hợp có dịch xảy ra và việc tiêm ho gà toàn tế bào dù chỉ 1 mũi và tiêm đầu tiên – vẫn cho hiệu quả tốt hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia tiếp tục sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào để bảo đảm hiệu quả trong phòng, chống bệnh ho gà.

Tình trạng căng thẳng, chen lấn, xô đẩy diễn ra ở điểm tiêm chủng vắcxin 182 Lương Thế Vinh, Hà nội sáng 25/12. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam )

– Hiện nay có nhiều phụ huynh e ngại tiêm vắcxin Quinvaxem sau khi xảy ra các ca tai biến sau tiêm chủng nên tiếp tục chờ vắcxin dịch vụ. Việc chờ đợi vắcxin để lại những hậu quả gì, thưa bà?

– Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Trong thời gian qua, thông tin về các phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem, phần nào cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các ông bố, bà mẹ trước quyết định đưa con đi tiêm chủng vắcxin.

Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số ít các bậc phụ huynh, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 1,6 triệu trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước. Ở các tỉnh thành phố khác, người dân vẫn đưa trẻ đi tiêm chủng các vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tỷ lệ tiêm chủng vẫn được duy trì ổn định.

Việc các bậc phụ huynh trì hoãn đưa con đi tiêm chủng, chờ đợi vắcxin dịch vụ sẽ khiến cho trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Điều này sẽ dẫn đến trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh trước khi tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.

Trong đầu năm 2015, có 43,7% các trường hợp mắc ho gà ở độ tuổi từ 2-4 tháng tuổi mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi. Những trẻ này nếu được tiêm chủng đúng lịch đủ mũi thì hầu hết sẽ được bảo vệ không mắc bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh tốt nhất, trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch…

– Phóng viên: Trân trọng cám ơn Phó Viện trưởng./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu