Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 03:44 (GMT +7)
VAFI đề xuất chuyển bệnh viện công thành doanh nghiệp công ích
Thứ 3, 19/09/2017 | 11:00:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Sau khi cổ phần, các bệnh viện sẽ thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và tạo ra cơ chế công khai minh bạch.
Trong đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống Bệnh viện công lập gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay hầu như toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế đơn vị hành chính sự nghiêp có thu, bị chia thành nhiều cấp quản lý từ Bộ Y tế, Sở Y tế… nên cơ chế quản lý vận hành là không chuyên nghiệp và đang mang nặng tính hành chính.
Chính vì vậy, VAFI đề xuất hệ thống các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập gồm 3 giai đoạn. Trong đó có việc chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
VAFI cho rằng, nếu tiến hành cổ phần hóa bệnh viện sẽ giải quyết được hết những hạn chế tiêu cực hiện nay. (Ảnh minh họa: KT) |
Đặc biệt, VAFI quan tâm đến công tác cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành cũng như các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau khi cổ phần, các bệnh viện sẽ thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ đó làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bệnh viện dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán.
“Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ) xuống tận cấp huyện”, VAFI nhận định.
Theo phân tích của VAFI, cuộc cách mạng trong lĩnh vực dịch vụ y tế nếu được tiến hành như đề xuất sẽ giải quyết được hết những hạn chế tiêu cực hiện nay. Các bệnh viện sẽ chuyển được cơ chế hoạt động của doanh nghiệp từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hình thành các Tập đoàn mạnh về y tế, trong khi nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tuyệt đối.
Tuy nhiên, để thực hiện được từng bước các tiến trình này và để kiểm soát tuyệt đối các hoạt động của bệnh viện, để đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước, VAFI tính toán cổ phần chi phối của nhà nước phải nắm trên 65%.
“Cần phải xác định cho các nhà đầu tư biết, đầu tư vào bệnh viện không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận, hệ thống bệnh viện công lập sẽ hoạt động vì mục tiêu công ích như cơ chế doanh nghiệp công ích và nhà đầu tư chỉ hưởng lợi nhuận định mức như trong lĩnh vực điện, nước”, VAFI lưu ý.
VAFI cũng lưu ý, để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng sau khi bệnh viện cổ phần hóa, để thực hiện cơ chế đặc thù trong cổ phần hóa bệnh viện công lập, nhà đầu tư không tính giá trị thương hiệu bệnh viện theo cơ chế thị trường.
Bởi vì nếu tính thì sẽ làm giá trị bệnh viện lên rất cao, từ đó sẽ làm tăng chi phí khấu hao trực tiếp hoặc sẽ phải tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lên cao, đồng thời làm mất đi cơ hội tăng thu nhập một cách chính đáng cho người lao động. Nếu thu nhập của đội ngũ y bác sỹ không theo cơ chế thị trường thì chắc chắn rằng tình trạng tiêu cực phong bì vẫn còn tồn tại dài lâu.
“Để đảm bảo minh bạch trong việc bán cổ phần, tiến trình bán cổ phần phải thông qua thị trường chứng khoán. Giá khởi điểm được xác định theo giá sổ sách. Nếu định giá bệnh viện công lập theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực ngoài bệnh viện thì tiến trình cổ phần hóa bệnh viện công lập sẽ thất bại”, VAFI khẳng định./.
Ý kiến ()