Gần 9.700 phương tiện đã bị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ chối phục vụ trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý vì chở hàng quá tải trọng.
Theo ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC, tính từ 01/01 đến hết ngày 30/6 vừa qua, VEC đã tổ chức cân kiểm soát tải trọng trên 840.550 phương tiện trên hai tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (ở cả đầu vào và đầu ra). Qua kiểm tra phát hiện 14.518 xe quá tải, từ chối phục vụ 9.663 phương tiện.
Trong đó, riêng tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, VEC đã kiểm soát tải trọng 725.298 phương tiện, phát hiện 12.241 phương tiện quá tải, từ chối phục vụ 9.334 phương tiện.
Song song với việc tăng cường kiểm tra tải trọng phương tiện, thực hiện từ chối phục vụ phương tiện quá tải theo quy định, từ 25/01, VEC còn thực hiện từ chối phục vụ phương tiện dừng, đỗ đón trả khách trên cao tốc khi vi phạm từ lần thứ 3 trở lên.
Trong quý 1 thực hiện, VEC chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các tài xế xe khách tuân thủ các quy định của VEC nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, nhất là trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Quý 2, VEC thực hiện từ chối phục vụ 22 phương tiện dừng, đỗ đón trả khách.
“Theo quy định, các phương tiện chỉ được phục vụ trở lại khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và có cam kết không tái phạm có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền,” ông Đỗ Chí Chung cho hay.
Cũng trong sáu tháng đầu năm 2016, trên các tuyến đường do VEC quản lý vận hành xảy ra 117 sự cố giao thông, làm 05 người chết (giảm 37,5% so với cùng kỳ 2015), 29 người bị thương (giảm 46,3% so với cùng kỳ 2015) và hư hỏng một số tài sản đường cao tốc.
Nguyên nhân chính của các sự cố chủ yếu do người điều kiển phương tiện không làm chủ tốc độ, ngủ gật. Một số vụ tai nạn do người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc vi phạm quy định an toàn giao thông trên đường cao tốc như đi bộ, đi xe máy vào đường cao tốc…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, trước đề nghị của các địa phương về việc bố trí các điểm dừng đỗ xe trên đường cao tốc để phục vụ người dân, thời gian qua VEC và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khảo sát, xem xét và nghiên cứu phương án bố trí các điểm dừng đỗ xe ngoài các nút giao.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường cao tốc nên trước mắt, VEC vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp tuyên truyền pháp luật đến người dân để dần dần hình thành “văn hóa giao thông đường cao tốc.”
Bên cạnh đó, VEC cố gắng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ “vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp” khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị đầu tư, quản lý.
Về lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc của VEC, theo thống kê, trong hai quý đầu của năm 2016, ba tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã phục vụ 14,4 triệu lượt phương tiện thông suốt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, số phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây tăng mạnh nhất: 42%); với lưu lượng tương ứng trên các tuyến là 4,6 triệu lượt, 3,4 triệu lượt và 6,4 triệu lượt.
Được biết, VEC hiện đã và đang đầu tư, quản lý 6 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài gần 600km; trong đó, có 3 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác (đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây), 02 dự án đang triển khai (dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành) và một dự án đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật (dự án đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng (Km1 800-Km44 749,67)).
Theo đánh giá của phía VEC, các tuyến đường cao tốc trên sau khi đưa vào khai thác đã góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương dọc tuyến và các vùng phụ cận, thu hẹp khoảng cách vùng miền, hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đồng thời góp phần bảo vệ an ninh-quốc phòng của đất nước./.
Ý kiến ()