Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra những diễn biến phức tạp và những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Các nước thành viên tham dự đều chung mối quan tâm làm sao để hòa bình, ổn định trở lại và các quốc gia trong khu vực cũng như toàn cầu có thể cùng phát triển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi thư chúc mừng tới Hội nghị và nhấn mạnh vai trò quan trọng của đại biểu Nghị viện các nước Á – Âu trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác chung, đối mặt với những thách thức và giải quyết các thách thức hiện nay.
Tổng thống Putin khẳng định để các lĩnh vực hợp tác ngày càng có hiệu quả, các cơ quan lập pháp Á – Âu cần phát huy hơn nữa hoạt động của mình thông qua những diễn đàn như thế này và những chính sách của mỗi quốc gia.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng gửi tới Hội nghị lời chào mừng và lời chúc tốt đẹp, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của các hoạt động đối thoại như thế này nhằm ngăn chặn và giải quyết xung đột, tăng cường hợp tác, phát triển.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Sergey Naryshkin – Chủ tịch Hạ viện Nga, đồng Chủ tịch Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á – Âu lần thứ Nhất nêu khái quát bức tranh của khu vực và những hoạt động hợp tác rộng rãi trên nhiều lĩnh vực đã được thiết lập thời gian qua đang hoạt động hiệu quả.
Ông Sergey Naryshkin khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, mọi hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế đều phải được trao đổi và thực hiện bởi hệ thống thương mại toàn cầu. Bởi vậy, chúng ta không thể thực hiện nó trong điều kiện đóng cửa. Quốc hội phải trở thành một nhân tố then chốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ của xã hội hiện đại cũng như các nhiệm vụ truyền thống. Những tình huống mới hiện nay đang đặt ra cho các Nghị viện và các cơ quan ngoại giao của mỗi quốc gia thành viên trong việc xử lý phù hợp thông qua đối thoại dưới những hình thức như diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức này”.
Đồng Chủ tịch Hội nghị Chung Ui Hua – Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc phát biểu cũng khẳng định ý nghĩa của hội nghị này với những vấn đề, những hiểm họa bất ổn trong khu vực và bày tỏ hy vọng diễn đàn như thế này sẽ là cơ hội để giải quyết các thách thức đó.
Phiên toàn thể diễn ra trong cả ngày làm việc đầu tiên này và mỗi đại biểu của từng quốc gia có 10 phút để trình bày về những vấn đề mà quốc gia mình quan tâm, đặt trong bối cảnh chung của khu vực.
Nhiều đại biểu đã đưa ra những sáng kiến, những đề xuất… để hoạt động chung ngày càng đi vào thực chất.
Đại diện cho Quốc hội Việt Nam, phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn này.
Diễn đàn cũng nhân dịp giới thiệu về tình hình Việt Nam, về chính sách đối ngoại của đất nước, những thách thức đối với Việt Nam, cũng như với các quốc gia trong khu vực như những tác động do biến đổi khí hậu, những mối đe doạ hòa bình, ổn định trong khu vực.
Để tăng cường hợp tác giữa các nghị viện Á – Âu, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu đề xuất một số vấn đề, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác trên cả 3 lĩnh vực là chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội….
Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định gắn bó với quá trình liên kết Á – Âu và sẵn sàng hợp tác cùng các nước khác trong khu vực nhằm vượt qua mọi thách thức và tận dụng những cơ hội của hợp tác Á – Âu trong thập niên tới”.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tham dự Hội nghị thông qua Tuyên bố chung 17 điểm, đánh giá cao thành công của Hội nghị và đưa ra những đề xuất cụ thể về thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các Cơ quan Nghị viện trong khu vực, trên nhiều lĩnh vực.
Tuyên bố chung gửi tới Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước cũng đề nghị ủng hộ các hoạt động theo hình thức này với quy mô hàng năm. Theo đó, Hội nghị lần thứ hai sẽ diễn ra vào năm 2017 tại một quốc gia châu Á.
Ngày mai (20/4), trong ngày thứ hai của Hội nghị, các đoàn đại biểu sẽ tham gia các hoạt động nghệ thuật, du lịch và có những cuộc gặp gỡ song phương chính thức và không chính thức./.
Ý kiến ()