Đây là năm thứ ba Lễ hội văn hóa Châu Á Xa và Gần được chính quyền Quận 3 Praha phối hợp với Info Dracek – một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy hội nhập của các dân tộc tại Cộng hòa Séc – đồng tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Đại sứ quán Indonesia. Lễ hội nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Năm nay lễ hội thu hút sự tham dự của sáu nước châu Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Hồ Minh Tuấn, nêu bật ý nghĩa của sự kiện, đồng thời nhấn mạnh giao lưu văn hóa là con đường ngắn nahats để các dân tộc đến gần với nhau hơn. Đại sứ hy vọng lễ hội lần này sẽ là dịp để chính quyền và người dân Séc khám phá thêm nền văn hóa phong phú, đa dạng, và giàu bản sắc của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại sự kiện, hàng nghìn người dân Séc và du khách đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc giới thiệu nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu của các nước tham dự. Đặc biệt họ vỗ tay tán thưởng không ngớt cho phần biểu diễn bài hát Xin chào Việt Nam bằng ba thứ tiếng Anh, Séc, Việt, hay tiết mục múa quạt dân tộc, cũng như màn trình diễn thời trang Áo Dài ấn tượng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những người đến dự còn được tận mắt chứng kiến các đầu bếp đến từ các nhà hàng Việt Nam nổi tiếng tại thủ đô Praha chế biến hàng chục món ăn đã được người dân Séc ưa chuộng nhiều năm trở lại đây như bún chả, bún nem, phở bò, phở gà, tôm tẩm bột rán, hay bánh mỳ kẹp thịt. Thêm vào đó, các quầy hàng Việt Nam còn giới thiệu nhiều đặc sản hoa quả đến từ xứ nhiệt đới như dừa, dưa hấu, mít, vải, nhãn, đu đủ….
Việc tổ chức lễ hội này đã giúp người dân sở tại ngày càng có dịp được tiếp cận gần hơn với văn hóa của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Chị Marcela Krupkova, một người dân Séc, cho biết chị đến với lễ hội vì tò mò muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Chị Marcela Krupkova nói: “Tôi không biết nhiều lắm về Việt Nam. Qua bạn bè và tham dự một số sự kiện, tôi chỉ biết Việt Nam là một nước châu Á có truyền thống lâu đời. Vài năm trước cộng đồng người Việt Nam ở đây vẫn khá khép kín, nhưng xu hướng này đang dần thay đổi. Người Séc giờ đây biết đến nhiều hơn con người, văn hóa, và ẩm thực của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là một xu hướng tích cực và việc tổ chức lễ hội này là một sáng kiến hay”.
Không chỉ muốn tìm hiểu về văn hóa, nhiều người thậm chí còn muốn tới Việt Nam để được tận mắt khám phá những điều kỳ thú về đất nước hình chữ S này. Anh Jean Di Raffaele, một nhân viên kế toán người Italia đang làm việc tại Cộng hòa Séc và có sở thích đi du lịch bốn phương, chia sẻ anh rất ấn tượng với tiềm năng du lịch của Việt Nam được giới thiệu tại lễ hội.
Anh Jean Di Raffaele nói: “Tôi đã đi du lịch nhiều nước, nhưng chưa có cơ hội tới Việt Nam, vì thế tôi rất muốn tới thăm đất nước của các bạn. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi lễ hội ngày hôm nay. Tôi muốn khám phá Việt Nam bởi không chỉ những bãi biển đẹp, mà còn con người thân thiện, cởi mở, và văn hóa đặc sắc mà tôi chưa hề biết tới. Tôi rất háo hức muốn tới Việt Nam ngay”.
Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch tại Cộng hòa Séc nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và tiềm năng du lịch tới người dân sở tại. Đây là con đường ngắn nhất để cho văn hóa, con người Việt Nam đến gần hơn với người dân Séc, thúc đẩy quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt Nam vào nước sở tại, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Việc Việt Nam tham gia lễ hội văn hóa châu Á đã đóng góp tích cực vào những nỗ lực ấy./.
Ý kiến ()