Thứ Hai, 25/11/2024 19:28 (GMT +7)

Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018: HLV Park Hang-seo đúng là bậc thầy về xoay tua

Thứ 2, 17/12/2018 | 17:20:00 [GMT +7] A  A

8 trận liên tiếp đội tuyển (ĐT) Việt Nam ra sân với đội hình khác nhau, HLV Park Hang-seo thực sự là số một về xoay tua ở AFF Suzuki Cup 2018. Xoay tua nhưng không… chóng mặt. Xoay tua để thành công.

Điều mà các đội bóng ở AFF Suzuki Cup 2018 ngán nhất khi chạm trán ĐT Việt Nam chính là sự khó lường. Rất khó dự đoán đội hình xuất phát của ĐT Việt Nam, đặc biệt là tuyến giữa và hàng tấn công. Mà ngay cả khi có dự đoán được phần nào thì chiến lược gia người Hàn Quốc cũng có những thay đổi rất khó lường trong trận đấu.

Điều dễ nhận thấy nhất khi quan sát ĐT Việt Nam thi đấu ở AFF Suzuki Cup năm nay là HLV Park Hang-seo đã đóng đinh hàng thủ với Văn Lâm trong khung gỗ và bộ ba Duy Mạnh, Đình Trọng, Quế Ngọc Hải ở trung tâm hàng phòng ngự. Bộ tứ ấy đã đá chính toàn bộ cả 8 trận từ đầu giải, và chỉ có Quế Ngọc Hải là được rút ra ở phút 82 của trận thắng ĐT Campuchia 3 – 0.

Thực ra đây là nguyên tắc nằm lòng của bất cứ HLV nào khi xoay tua. Có thể thay đổi, nhưng bộ khung nơi hàng thủ thì rất cần sự ổn định. Ông Park cũng không phải ngoại lệ. Như vậy ở giải đấu này, 20/23 tuyển thủ đã được sử dụng trừ trung vệ Lục Xuân Hưng, và hai thủ môn Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Tuấn Mạnh. Và nhờ chính sách xoay tua ấy, có thể thấy Việt Nam bây giờ không phụ thuộc vào một cá nhân nào cả, đặc biệt là ở tuyến giữa và hàng công, nên rất khó bắt bài.

Tiến Linh dù ít được thi đấu, nhưng cũng đã ghi 1 bàn thắng rất đẳng cấp

Hãy thử nhìn sang đối thủ của ĐT Việt Nam ở chung kết. 8/11 bàn thắng mà ĐT Malaysia ghi được là do công của cặp tiền đạo Norshahrul Talaha (5) và Zaquan Radzak (3). Còn chúng ta thì sao? Anh Đức đã ghi 4 bàn, Công Phượng, và Quang Hải đều đã ghi được 3 bàn, trong khi Phan Văn Đức đã có hai bàn, trong khi Tiến Linh, Huy Hùng và Đức Huy đều đã lập công. Không ai trong số này phải đá chính từ đầu giải cả, nhưng đều đã thay nhau tỏa sáng vào những thời điểm cần thiết. Điều đó chứng tỏ, ông Park có rất nhiều phương án tiếp cận trận đấu.

Và không chỉ ở hàng tấn công, ngay ở tuyến giữa cũng vậy. Khi cần kiểm soát thế trận, ông dùng Quang Hải, Xuân Trường ở khu trung tuyến. Còn lúc muốn tăng cường chất thép, Đức Huy và Huy Hùng được sử dụng. Trong khi đó, Hùng Dũng có thể đảm bảo cả hai vai trò ấy, một dạng cầu thủ kiểu “công nhân nhất trong các nghệ sĩ, và nghệ sĩ nhất trong các công nhân”. Chính HLV Eriksson đã bất ngờ khi ĐT Việt Nam xuất phát với cặp Đức Huy – Hùng Dũng ở trận bán kết lượt đi, những người mà ông chẳng có mấy thông tin. Và đó chỉ là một minh chứng cho cách xoay tua tài tình của chiến lược gia người Hàn.

Thực ra, việc ông Park xoay tua đã được áp dụng suốt gần một năm qua. Ở VCK U23 châu Á, khi các cầu thủ phải đá với mật độ 2 – 3 ngày/trận, ông đã buộc phải làm vậy để đảm bảo thể lực cho các học trò, và ai cũng thấy các cầu thủ Việt Nam khỏe như thế nào từ đầu đến cuối giải. Đó cũng là giải đấu, Phan Văn Đức bước ra ánh sáng. Tại ASIAD 2018, đội hình tuyển Việt Nam cũng không trận nào lặp lại đội hình trận trước cả. Việc Công Phượng, Văn Toàn dự bị nhưng lần lượt tỏa sáng ở vòng knock-out là một minh chứng.

Và bây giờ đến AFF Suzuki Cup 2018. Nhờ việc xoay tua hợp lý mà ĐT Việt Nam vẫn bí ẩn với đối phương ngay cả khi đã đi tới trận cuối cùng, cũng như từng chạm trán ĐT Malaysia ở Mỹ Đình cách đây 3 tuần.

Ông Park là thế: xoay tua nhưng không hề chóng mặt, xoay tua để thành công.

Đội hình thi đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018

Vòng bảng

8/11: Lào 0 – 3 Việt Nam (3-5-2)
Văn Lâm – Duy Mạnh, Đình Trọng, Quế Ngọc Hải – Trọng Hoàng, Xuân Trường, Văn Quyết (Hùng Dũng 63’), Quang Hải, Văn Hậu (Văn Đức 45’) – Công Phượng – Anh Đức (Tiến Linh 71’)

16/11: Việt Nam 2 – 0 Malaysia (5-4-1)
Văn Lâm – Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Văn Hậu – Văn Đức (Hùng Dũng 73’), Quang Hải, Xuân Trường (Đức Huy 87’), Công Phượng (Văn Quyết 74’) – Anh Đức

20/11: Myanmar 0 – 0 Việt Nam (5-4-1)
Văn Lâm -Văn Đức, Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Văn Hậu – Công Phượng (Văn Toàn 76’), Quang Hải, Xuân Trường (Hùng Dũng 45’), Văn Quyết (Trọng Hoàng 45’) – Anh Đức.

24/11: Việt Nam 3 – 0 Campuchia (3-5-2)
Văn Lâm – Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải (Tiến Dũng 82’) – Trọng Hoàng (Công Phượn 65’), Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng, Hồng Duy – Văn Đức (Văn Quyết 70’), Tiến Linh.

Vòng bán kết

Lượt đi: 2/12: Philippines 1 – 2 Việt Nam (5-3-2)
Văn Lâm – Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Văn Hậu – Quang Hải (Huy Hùng 89’), Hùng Dũng, Đức Huy – Văn Đức (Công Phượng 80’), Anh Đức (Đức Chinh 65’).

Lượt về: 6/12: Việt Nam 2 – 1 Philippines (5-3-2)
Văn Lâm – Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Văn Hậu – Đức Huy (Công Phượng 83’), Xuân Trường (Huy Hùng 62’), Quang Hải – Văn Đức, Anh Đức (Tiến Linh 74’).

Chung kết

Lượt đi: Malaysia 2 – 2 Việt Nam (3-4-2-1)

Văn Lâm – Ngọc Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh – Trọng Hoàng, Đức Huy (Công Phượng 76′), Huy Hùng, Văn Hậu – Quang Hải, Văn Đức (Hùng Dũng 86′) – Đức Chinh (Tiến Linh 53′).

Lượt về: Việt Nam 1 – 0 Malaysia (5-4-1)
Văn Lâm – Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Văn Hậu – Quang Hải, Huy Hùng, Hùng Dũng (Xuân Trường 90′), Văn Đức (Hồng Duy 71′) – Anh Đức (Đức Chinh 81′).

Theo Thể thao & Văn hóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu