Thứ Tư, 27/11/2024 21:38 (GMT +7)

Vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh: Cục Trẻ em lên tiếng

Thứ 3, 28/11/2017 | 10:14:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Hình trẻ hơn 1 tháng tuổi bị đánh, tung hứng như bóng, trẻ mầm non khóc thét khi bị cô giáo đánh khiến dư luận xót xa, phẫn nộ.

Khi dư luận chưa hết bức xúc với trường hợp một người giúp việc tại Hà Nam đánh đập, tung hứng trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi vì quấy khóc, thì ngay sau đó, cộng đồng lại không khỏi phẫn nộ khi chứng kiến clip các cô giáo trong trường mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP. HCM) đánh học sinh không thương tiếc. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đã trao đổi về vấn đề này.

vu bao hanh o truong mam xanh cuc tre em noi gi hinh 1
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH).

PV: Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, nhưng đã có một loạt các vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra khiến dư luận phải giật mình. Vậy những vụ việc trên nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Các con số thống kê cho thấy số các vụ việc bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Hiện có những vụ xâm hại mà thủ phạm là những người nuôi dạy trẻ, cha mẹ trẻ. Tiếp nữa, những vụ xâm hại ghi nhận có dấu hiệu gia tăng cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ, thậm chí cha đẻ xâm hại con ruột của mình.

Đây là những dấu hiệu cho thấy diễn biến hết sức phức tạp trong xâm hại trẻ em, cần có những nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá đúng tình hình các vụ việc đang xảy ra hiện nay. Bên cạnh đó cũng cần phải gia tăng các biện pháp thực thi, giáo dục pháp luật để phòng ngừa xâm hại và bảo vệ trẻ em.

Vấn đề thứ 2 là theo dự báo của chúng tôi, sắp tới, các thông tin thông báo, tố giác về xâm hại trẻ em sẽ tăng. Nguyên nhân do, đến nay chúng ta đã có những kênh cụ thể để tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em, có các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận và bảo vệ thông tin cho người tố giác. Điều này tạo ra sự thuận tiện hơn, gia tăng niềm tin với người dân với các cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, chúng tôi cho rằng, trong thời gian gian tới, số lượng các vụ việc được tố cáo, được phát hiện và được xử lý sẽ tăng cao.

PV: Thưa ông, từ những vụ việc xảy ra gần đây, phải chăng chất lượng những lao động trực tiếp chăm sóc trẻ đang bị bỏ ngỏ?

Ông Đặng Hoa Nam: Trong xã hội, những người có nghề nghiệp trực tiếp làm việc với trẻ em cần được đào tạo một cách kỹ lưỡng và chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Đơn cử như trường hợp của trường mầm non tư thục Mầm Xanh, trước đây đã có những thông tin thông báo về hành vi bạo lực với trẻ em trong cơ sở này. Các cơ quan liên quan cũng đã triển khai việc kiểm tra, nhưng theo thông tin của TP. HCM, thời điểm đó cũng chưa thu thập đầy đủ các bằng chứng để tiến hành các biện pháp xử lý, nên hiện nay vụ việc xảy ra ở cấp độ nghiêm trọng.

Chúng tôi cho rằng, trong tiêu chuẩn để thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ em nói chung, trong đó có các cơ sở mầm non, sự kiểm soát của tất cả các bên, của cơ quan quản lý, cha mẹ, người quản lý đứng đầu trong các cơ sở này là rất quan trọng.

Thực tế, đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non lắp đặt camera để bố mẹ có thể theo dõi mọi hoạt động của con cái. Theo tôi đây cũng là một biện pháp để phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

PV: Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em, nhưng chỉ sau khi người dân tố giác, các cơ quan chức năng mới chạy theo giải quyết khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi rằng liệu các cơ quan chức năng liên quan đã thực sự làm tròn trách nhiệm, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Việc thực thi pháp luật đã được thể hiện đầy đủ trong Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp xử lý xâm hại trẻ em. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao rà soát lại các sự việc còn tồn đọng, đối với những vụ việc mới phát sinh phải ưu tiên để xứ lý.

Thủ tướng có yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm trễ trong việc hỗ trợ hoặc không can thiệp các vụ việc về xâm hại trẻ em.

Tôi cho rằng Nghị định 56 quy định chi tiết quy trình xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cũng đã quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc xử lý. Sự phối hợp và vào cuộc với những vụ việc xâm hại trẻ em trong thời gian qua đã phần nào kịp thời hơn.

Đơn cử như vụ trẻ em bị cha đẻ hành hạ tại Châu Thành, Kiên Giang, ngay lập tức, UBND huyện đã thành lập hội đồng liên ngành để xuống địa bàn gặp gỡ đối tượng, cùng công an, cơ quan về lao động, thương binh và xã hội, phụ nữ để hỗ trợ cháu bé, tiến hành các biện pháp điều tra.

Về phía Trung ương, tổng đài quốc gia trẻ em cũng đã kịp thời kết nối với địa phương để có thể hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ cơ quan công an thu thập chứng cứ để xử lý vụ việc.

PV: Để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, khiến nhiều trẻ em bị xâm hại, phải chăng pháp luật hiện nay chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Trong Luật Hình sự và Luật Hành chính cũng đã quy định hành vi xâm hại trẻ em luôn được áp ở khung hình phạt cao, xâm hại trẻ em luôn bị coi là tình tiết tăng nặng.

Gần đây nhân ngày quyền trẻ em quốc tế, đại diện trẻ em đã có cuộc gặp Phó Chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, các em có nêu lên một số vấn đề liên quan đến xâm hại, bạo lực với trẻ em. Phó Chủ tịch quốc hội đã khẳng định với các em rằng tất cả các hành vi xâm hại trẻ em đều bị pháp luật xử lý nghiêm và đều là các tình tiết tăng nặng, cần tuyên truyền để răn đe.

Trách nhiệm ở đây thuộc về các cơ quan tư pháp, điều tra, các cơ quan truy tố xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.

Về phía Bộ LĐ-TB-XH, chúng tôi đặt mạnh việc cần phản ứng nhanh để vào cuộc kịp thời, tái hòa nhập cho nạn nhân khi các em gặp phải những sự việc đáng tiếc.

Về giải pháp phòng ngừa, tôi cho rằng phải tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đủ tính chất răn đe để những người có ý định xâm hại trẻ em phải run tay.

Tôi đề nghị các địa phương sớm triển khai sử dụng phân bổ có hiệu quả nguồn ngân sách của địa phương và nguồn ngân sách do trung ương hỗ trợ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục kỹ năng về làm cha mẹ, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho giáo viên.

Chúng tôi cũng khuyến nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng triển khai công tác tâm lý học đường, phối hợp với mạng lưới công tác xã hội, mạng lưới các chuyên gia trị liệu tâm lý để kịp thời thực hiện Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ về môi trường giáo dục an toàn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng hệ thống tham vấn học đường không chỉ giải quyết những vấn đề về bạo lực, tâm lý của học sinh mà còn can thiệp tâm lý cho giáo viên. Khi các giáo viên đã bước vào lớp học thì phải coi đó là một môi trường không có bạo lực, để lại bên ngoài tất cả những áp lực, bức để thực hiện nhiệm vụ cao quý của người thầy, không chỉ là dạy tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, cách làm người cho học sinh.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu