Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 22:35 (GMT +7)
Vũ điệu Bạch Dương – Vũ điệu của tâm hồn Nga
Thứ 3, 17/10/2017 | 11:22:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Với những ai yêu nghệ thuật xứ sở Bạch Dương chắc đều hiểu vì sao Đoàn nghệ thuật Hàn lâm Quốc gia Bạch Dương lại là biểu tượng của văn hóa Nga.
Qua gần 70 năm hình thành và phát triển, đoàn nghệ thuật huyền thoại này đã có mặt ở hơn 80 nước trên thế giới, phục vụ hàng chục triệu lượt khán giả. Ở đâu, đoàn cũng được đón tiếp như những người bạn thân thiết. Khán giả đến với Bạch Dương không chỉ để xem những vũ điệu độc đáo mà còn vì tâm hồn Nga đôn hậu, tinh tế.
Cả Nhà hát Lớn lặng đi mấy giây, để rồi vỡ òa bằng những tràng pháo tay không dứt khi màn trình diễn đầu tiên, vũ điệu vòng tròn mang tên “Bạch Dương” do các cô gái Nga biểu diễn. Các cô gái không phải bước đi mà như nhẹ nhàng bay trên sân khấu. Rồi những điệu múa nối tiếp “Sợi dây chuyền”, “Những anh chàng độc thân”, “Dòng sông êm đềm”… khán giả bị cuốn hút bởi sự mềm mại của vũ điệu vòng tròn đặc trưng thể hiện nét kín đáo, giản dị pha chút e lệ của nhưng cô gái Nga xinh đẹp. Những tràng vỗ tay luôn vang lên suốt chương trình.
Đây không phải lần đầu tiên Đoàn nghệ thuật Hàn lâm Quốc gia Bạch Dương sang Việt Nam biểu diễn. Vẫn những vũ điệu vòng tròn quen thuộc, với động tác di chuyển trên mũi chân nhẹ như trôi tạo cảm giác các nghệ sĩ đang tự xoay trên một mặt phẳng chứ không phải di chuyển bằng chân. Vẫn những động tác gõ giày vui nhộn, bay và đá chân trên không dứt khoát đầy uy lực, tràn trề nam tính của những chàng trai trong trang phục Cossack truyền thống; vẫn những cô nàng trong bộ trang phục búp bê Nga Matrioska đỏ rực, xanh thắm, khói lam, nâu tươi, những cặp mắt biết cười rạng rỡ như mùa xuân… mà hấp dẫn đến lạ kỳ.
Các nghệ sĩ không chỉ múa theo nhạc, mà bằng toàn bộ cơ thể, từ bàn tay, đôi chân, đến ánh mắt, tạo nên một nghệ thuật tạo hình đặc sắc. Nghệ sĩ Valentina Nicolaieva, Đoàn nghệ thuật Hàn lâm Bạch Dương chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận được sự yêu thích nền văn hóa Nga và yêu quý nền văn hóa Nga của các bạn, chính vì thế chúng tôi luôn cảm thấy giữa 2 dân tộc có một truyền thống gắn bó khăng khít. Trong những buổi biểu diễn của chúng tôi, chúng tôi luôn mong mang được một phần tinh thần, truyền thống và tâm hồn con người Nga đến khán giả Việt Nam”.
Nghệ sĩ Ksenia Zhuravleva cho rằng: “Các điệu múa của đoàn Bạch Dương chúng tôi thể hiện tâm hồn của người Nga, qua những điệu múa này chúng tôi mong rằng có thể kết nối với những trái tim Việt. Chúng tôi rất cởi mở và luôn sẵn sàng giao lưu, trao đổi và xây dựng tình bạn với khán giả Việt Nam.”
Không phải chỉ khi “mang chuông đi đánh xứ người”, những vũ điệu của Bạch Dương mới trở nên quyến rũ như thế. Gần 70 năm nay, từ khi được thành lập vào tháng 6/1948, mỗi đêm diễn của Bạch Dương vẫn là một bữa tiệc nghệ thuật hoàn hảo. Vé của các chương trình Bạch Dương luôn được bán trước cả một mùa diễn. Được lên sàn diễn của Bạch Dương luôn là niềm mơ ước và tự hào của mọi nghệ sĩ Nga.
Trên sân khấu đoàn nghệ thuật Bạch Dương, những vũ khúc và các giai điệu dân gian vẫn được nuôi dưỡng trong các lễ hội nông thôn được chắt lọc để trở nên tinh tế, lấp lánh, tỏa hào quang trong các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, rồi vươn tới đỉnh cao. Nghệ sĩ Sergey Azovskiy, đoàn nghệ thuật Hàn lâm Quốc gia Bạch Dương chia sẻ: “Đã có rất nhiều người Việt Nam từng đến Nga sinh sống và học tập. Trong số đó không ít người đã xem chúng tôi biểu diễn ở Nga, do đó khi biểu diễn ở Việt Nam chúng tôi luôn thấy háo hức và mong chờ, như thể mong gặp lại những người bạn của mình.”
Chẳng thế mà khi thiết kế chương trình biểu diễn tại Việt Nam, đoàn Bạch Dương thường chú trọng đến các loại hình truyền thống ca múa dân gian Nga: múa Khorovod, múa Pliaska, múa Kadtrili… và truyền tải trong đó là một tinh thần Nga nhẹ nhàng, tươi tắn, tràn trề sức sống. Khiến khán giả vẫn say mê như thuở ban đầu.
PGS, TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, từng nhiều năm học tập tại Nga chia sẻ: Đã rất lâu rồi tôi mới được nghe lại những ban nhạc Nga, giai điệu Nga và cả những điệu múa Nga, những trang phục rực rỡ, đậm bản sắc người Nga, gợi lên những cảm xúc khó tả, bởi vì thời trẻ bọn mình đã học tập và sinh sống tại đất nước yên bình, thơ mộng này.”
Giữ gìn văn hóa truyền thống để mang đến cho khán giả vẻ đẹp tâm hồn Nga qua những vũ điệu đặc sắc là những gì mà Bạch Dương luôn mong ước suốt bao năm qua. Để rồi, cũng như khán giả nhiều nước trên thế giới, khán giả Việt Nam lại được trầm trồ trước những điệu múa khắc họa một tinh thần Nga mạnh mẽ và hồn hậu, được nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ ở xứ sở của những cây Bạch Dương./.
Ngọc Ngà/VOV-Trung tâm Tin
Ý kiến ()