Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 01:30 (GMT +7)
WHO khẳng định có “cơ hội thực sự” ngăn chặn sự lây lan Covid-19
Thứ 4, 12/02/2020 | 15:16:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Tổng giám đốc WHO tuyên bố, nếu đầu tư và nỗ lực ngay từ bây giờ, thế giới sẽ có cơ hội ngăn chặn dịch bệnh do Covid-19 gây ra.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/2 tuyên bố, hiện có một cơ hội thực sự để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus corona mới hay còn gọi là Covid-19 và điều quan trọng là thế giới phải nắm bắt lấy cơ hội này. Phát biểu đưa ra trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và đã làm 1.115 người tử vong.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: UICC
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, nếu đầu tư và nỗ lực ngay từ bây giờ, thế giới sẽ có cơ hội ngăn chặn dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Việc quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn dịch bệnh và chữa trị cho người dân.
“Chúng ta phải tận dụng cơ hội hiện tại để tấn công mạnh mẽ và đồng loạt chiến đấu với chủng virus mới này ở mọi góc độ. Nếu không, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn và gây thiệt hại về kinh tế ngày càng lớn hơn. Và theo tôi, đây là điều mà không một ai mong muốn”, ông Ghebreyesus nói.
Tại Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu khai mạc trước đó cùng ngày, Tổng giám đốc Ghebreyesus đã gọi dịch bệnh do Covid-19 gây ra là “kẻ thù công khai số một của toàn cầu” và cho rằng, trong thời gian chờ loại vaccine đầu tiên sẵn sàng trong 18 tháng tới, thế giới cần huy động mọi phương tiện sẵn có.
“Vaccine đầu tiên chỉ có thể sẵn sàng trong 18 tháng tới. Vì vậy, ngay từ hôm nay, chúng ta phải làm mọi việc cần thiết bằng cách sử dụng những loại vũ khí có sẵn để chống lại Covid-19, song song với những nỗ lực dài hạn hơn, đó là chuẩn bị vaccine”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày 13/2 cũng họp khẩn tại Brusells (Bỉ) để thảo luận về những biện pháp phối hợp trong cuộc chiến mới.
Ngoài Trung Quốc đại lục, dịch viêm phổi cấp do Covid-19 đã làm 2 người tử vong, một tại Philippines và một tại Đặc khu hành chính Hong Kong, cùng hơn 400 ca nhiễm bệnh được xác nhận tại khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, một trong những kịch bản gây lo lắng nhất đã xảy ra: một người Anh chưa từng đặt chân tới Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh ở Singpore và sau đó truyền cho nhiều người khác trong kỳ nghỉ tại Pháp trước khi bị chẩn đoán dương tính với Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới ngay từ đầu tuần đã cảnh báo, việc phát hiện số lượng nhỏ những trường hợp này có nguy cơ châm ngòi cho một đám cháy lớn hơn.
Tại châu Á, hàng nghìn khách du lịch và thành viên thủy thủ đoàn đang bị cách ly trên 2 du tàu. Ít nhất 174 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận trên tàu Diamond Princess bị cách ly từ hôm 3/2 ngoài khơi Nhật Bản. Còn tại Hong Kong, hơn 100 người ngày 11/2 đã được sơ tán khỏi một tòa tháp 35 tầng sau khi phát hiện 2 trường hợp ở 2 tầng khác nhau dương tính với Covid-19.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, Covid-19 có khả năng lây truyền cao hơn chủng virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), song lại dường như ít nghiêm trọng hơn, khi tỷ lệ tử vong trong số người nhiễm bệnh là trên dưới 2%, trong khi SARS là 1/10. Tuy nhiên, bà Anne Schuchat, quan chức thuộc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo, tỷ lệ tử vong đối với Covid-19 vẫn là điều cần phải đánh giá thêm.
“Chúng tôi nghiên cứu mỗi ngày để hiểu hơn về chủng virus mới này. Ở nhiều khía cạnh, sự lây lan của vi-rút là qua các giọt hô hấp, tương tự như những gì chúng ta thấy ở bệnh cúm theo mùa, tương tự như phần lớn sự lây lan của virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, tới nay chúng tôi vẫn chưa có nhiều thông tin về mức độ nghiêm trọng của virus”, bà Schuchat nói.
Ngay ngày 12/2, gần 200 người Mỹ hồi hương từ Trung Quốc đã được phép rời khu vực cách ly ở California. Những người này, gồm chủ yếu là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và gia đình của họ, đã phải trải qua quy trình kiểm dịch bắt buộc đầu tiên được tiến hành tại Mỹ kể từ năm 1963 và bị cách ly trong vòng 14 ngày. Không ai có xét nghiệm dương tính Covid-19./.
https://vov.vn/the-gioi/who-khang-dinh-co-co-hoi-thuc-su-ngan-chan-su-lay-lan-covid19-1009424.vov
Ý kiến ()