Thứ Bảy, 23/11/2024 05:39 (GMT +7)

Xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ 7, 08/04/2017 | 10:25:00 [GMT +7] A  A

Chiều 7/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tọa đàm “Triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW đến các doanh nghiệp du lịch”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch, luôn quan tâm và tạo điều kiện để du lịch phát triển.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế hiệu quả.

Trong xu thế chung đó, ngành du lịch đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, chứng minh là một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngành du lịch đã chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Nhằm định hướng để ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ và vượt bậc trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08- NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Ông Ngô Đông Hải khẳng định, đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng. bv

Nghị quyết đã khẳng định quan điểm của Đảng ta trong việc định hướng, tạo mọi điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị đang triển khai nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 08 và xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương, tổ chức, đơn vị mình. Chính phủ cũng đang khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nêu rõ: Hiệp hội đã xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 với mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP.

Tổng thu từ du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp…

Trong dự thảo, Hiệp hội cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, trong đó nhấn mạnh việc các doanh nghiệp, thành viên phải nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh đất nước cũng như uy tín của ngành du lịch.

Các doanh nghiệp cam kết không phá giá dịch vụ du lịch, không tham gia các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, đấu tranh với các hành động biến Việt Nam thành thị trường du lịch rẻ tiền.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần tích cực phát hiện, phản ánh kịp thời những khó khăn, bức xúc, cản trở trong hoạt động du lịch, bất cập trong phối hợp liên ngành, liên vùng…

Tại cuộc tọa đàm, nhiều doanh nghiệp du lịch đã trao đổi, thảo luận về việc cụ thể hóa Nghị quyết 08/NQ-TW thành mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của đơn vị mình; xác định trách nhiệm trong liên kết, phối hợp để nâng tầm du lịch Việt Nam…

Thời gian qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Giai đoạn 2001-2016, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm.

Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP.

Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém khiến sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường…

Thanh Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu