Chủ Nhật, 24/11/2024 14:44 (GMT +7)

Xây dựng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm y tế

Thứ 2, 20/03/2017 | 10:20:00 [GMT +7] A  A

Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện nhằm từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y tế, bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm.

Cán bộ Phòng xét nghiệm y tế Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch xét nghiệm vi sinh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Tuy vậy, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), muốn công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương nhau. Chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện được nâng cao và liên thông sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh một cách chính xác, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội.

Mới có trên 50 phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế

Xét nghiệm đóng vai trò là một trụ cột trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chuyên ngành xét nghiệm gồm có: xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 52 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn ISO 15189 (tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế). Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác nhau được chuẩn hóa phù hợp với tiêu chuẩn này. Đây chính là căn cứ, cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hay phát hiện, giám sát, dự phòng các loại bệnh dịch. Trong khi đó, hiện cả nước có gần 1.400 bệnh viện, mỗi năm khám, chữa bệnh cho trên 120 triệu lượt người, số lượng Phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189 tại Việt Nam còn quá ít. Trong khi đó, Thái Lan có hơn 2.000 phòng xét nghiệm lâm sàng của các bệnh viện thuộc nhà nước và tư nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, muốn công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương nhau. Tại Việt Nam, do năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị chưa đồng đều giữa các cơ sở y tế, các tuyến điều trị, gây ra các khó khăn trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Thực tế, một số phòng xét nghiệm cho kết quả khác nhau, gây ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của người dân đối với các cơ sở y tế. Đây cũng là nguyên nhân các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến phiền phức, tốn kém cho người bệnh và gia đình người bệnh, lãng phí nguồn lực xã hội. Năm 2016, các cơ sở y tế thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng đều hằng năm, mức tăng trung bình từ 10% đến 15%/năm. Hiện tại việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện gặp khó khăn vì mỗi bệnh viện một kiểu máy, chất lượng nhân lực không đồng đều, đơn vị đo kết quả cũng khác nhau.

Bên cạnh đó, công tác quản lý trang thiết bị hóa chất và sinh phẩm chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong quản lý và bảo đảm chất lượng xét nghiệm. Nhiều trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao. Trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất trang thiết bị hiện có. Năng lực của cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế chưa đáp ứng kịp những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ. Chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết bị y tế còn thấp so với yêu cầu. Nhiều bệnh viện tỉnh chưa có phòng quản lý vật tư – thiết bị y tế.

Hiện Việt Nam đã thiết lập hệ thống 3 trung tâm kiểm chuẩn, tạo thành mạng lưới kiểm chuẩn xét nghiệm toàn quốc. Tuy nhiên, 2/3 trung tâm kiểm chuẩn mới được thành lập, chưa được đầu tư đúng mức nên hầu hết các mẫu ngoại kiểm dùng trong các chương trình ngoại kiểm đều phải nhập khẩu, chưa chủ động sản xuất được trong nước. Số lượng các bệnh viện tham gia ngoại kiểm chưa đáp ứng so với số lượng xét nghiệm ngày càng tăng mỗi năm.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh: Chất lượng xét nghiệm y học được xác định dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí, hướng dẫn chuyên môn đặc thù, chất lượng máy móc, trang thiết bị xét nghiệm. Những tiêu chuẩn, hướng dẫn này thuộc hệ thống tiêu chuẩn riêng biệt cho từng lĩnh vực, từng chuyên ngành, từng quy trình xét nghiệm cũng như từng loại xét nghiệm. Từ trước tới nay, việc kiểm soát và quản lý chất lượng xét nghiệm y học chủ yếu thuộc trách nhiệm của các phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Các phòng xét nghiệm y học xây dựng các quy trình chuyên môn để bảo đảm chất lượng xét nghiệm của đơn vị. Tuy nhiên, nhiều phòng xét nghiệm không có đầy đủ, thậm chí không có các quy trình xét nghiệm hoặc nếu có lại không được tuân thủ đầy đủ. Do đó, quy trình và kết quả các xét nghiệm của phòng xét nghiệm y học chưa được kiểm tra, giám sát một cách đầy đủ, khách quan và có hệ thống. Nhiều cơ sở y tế đã triển khai nhiệm vụ này tương đối hiệu quả, nhưng xét chung, chưa được thực hiện đồng bộ với hệ thống đầy đủ, có tổ chức chặt chẽ và chế tài hợp lý.

Xây dựng Bộ công cụ đánh giá chất lượng xét nghiệm

Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm nhằm giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới, với lộ trình cụ thể là liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1/7/2017, bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1/1/2018; đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.

Để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm, thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng I tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh… nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, giám đốc các bệnh viện phải thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện, lưu ý thực hiện đầy đủ nội kiểm, ngoại bảo, bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị xét nghiệm theo quy định trước khi làm xét nghiệm cho người bệnh, đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện theo lộ trình quy định.

Bộ Y tế đang dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên cả nước. Đây là công cụ để phòng xét nghiệm đánh giá việc tuân thủ quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng liên tục, duy trì chất lượng phòng xét nghiệm. Bộ tiêu chí đánh giá sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Theo dự thảo này, các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá 5 mức: Rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và không xếp hạng với các nội dung như bảo dưỡng, hiệu chỉnh trang thiết bị, thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm… Nếu chưa được xếp hạng, phòng xét nghiệm đó có thể bị tạm dừng xét nghiệm và phải khắc phục lại những điểm yếu để được hoạt động trở lại. Dự thảo dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 3/2017.

Hoàng Hải (TTXVN/Tin Tức)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu