Thứ Hai, 12/05/2025 17:34 (GMT +7)

Xu hướng “trẻ hóa” của bệnh ung thư đại trực tràng đang diễn ra ở Việt Nam

Thứ 2, 12/05/2025 | 14:12:55 [GMT +7] A  A

Hiện nay, xu hướng “trẻ hóa” của bệnh ung thư đại trực tràng đang diễn ra ở Việt Nam. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng có thể mắc bệnh.

Các chuyên gia tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các chuyên gia tại buổi Tọa đàm (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ung thư đại trực tràng đang là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Theo thống kê mới nhất của Globocan, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới ung thư đại trực tràng và trên 8.400 ca tử vong do căn bệnh này - xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư.

Phó Giáo sư Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm “Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam” do Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội.

Bác sỹ Khiên phân tích: “Điều khiến các bác sỹ như chúng tôi trăn trở là xu hướng 'trẻ hóa' của căn bệnh. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng có thể mắc bệnh. Lối sống hiện đại như ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, căng thẳng kéo dài, chính là 'ngòi nổ' khiến ung thư đại trực tràng bùng phát mạnh mẽ. Nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế thực sự trong tương lai gần.”

Phó Giáo sư Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Giáo sư Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông thường, các tổ chức y tế khuyến nghị những người từ 45 tuổi trở lên nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ. Với những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người mắc bệnh viêm ruột mãn tính hoặc béo phì, có thể cân nhắc sàng lọc sớm hơn.

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay tại Bệnh viện Bạch Mai, đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tỷ lệ các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương di căn chiếm đến 30% trong tổng số người bệnh đến khám. Gần đây, mặc dù đã có những cập nhật về kiến thức và khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ, nhưng cũng có không ít người bệnh chỉ đến khám khi đã có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đến khám vì triệu chứng tắc ruột, khối u đã phát triển lớn khiến người bệnh không thể đi ngoài được. Lúc này, vai trò của các bác sỹ nội khoa là tiên phong, đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Theo bác sỹ Phương, bệnh ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu như được chẩn đoán sớm để hoàn toàn cắt bỏ khối u qua nội soi. Khi khối u đã xâm lấn lớn cũng như đã có biểu hiện tổn thương di căn mạnh thì các bác sỹ sẽ tiếp tục điều trị trước và sau phẫu thuẫn để hạn chế tình trạng tái phát hoặc di căn. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ với các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm nếu phát hiện sớm khá cao. Phẫu thuật là biện pháp điều trị cơ bản. Nếu đã di căn hạch, bệnh nhân cần tiến hành hóa trị.

Với trường hợp người mắc ung thư trực tràng ở tình trạng thấp hoặc trung bình, các bác sỹ phải đánh giá kích thước khối u, vị trí khối u, tổn thương di căn, tình trạng người bệnh… để tiến hành hóa trị trước cho khối u nhỏ lại, sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Không chỉ bác sỹ chuyên khoa về ung thư trực tràng, các bác sỹ về dinh dưỡng, về tâm lý sẽ cùng ngồi lại để đưa ra phương án chữa trị tốt nhất cho người bệnh.

Theo bác sỹ Phương, hiện nay, tỷ lệ người bệnh tầm soát ung thư đại tràng qua nội soi đã nhiều hơn so với trước đây. Số lượng người trên 50 tuổi chủ động đi khám và nội soi ngày càng phổ biến. Nhờ đó, người dân đã theo dõi được những tổn thương bất thường, phát hiện các polyp để có phương án điều trị hợp lý, hạn chế việc dẫn đến ung thư.

“Chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp trong một gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh này. Vì thế, chúng tôi thường khuyên mọi người nên động viên người thân đi tầm soát sớm để hạn chế nguy cơ ung thư trực tràng,” Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh.

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phương pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương chia sẻ chủ yếu bao gồm nội soi đại tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân và sinh thiết mô nghi ngờ. Đáng chú ý, nếu ung thư đại trực tràng được phát hiện ở các giai đoạn sớm, khả năng chữa trị thành công sẽ cao hơn và tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 90%.

Tuy nhiên, hiện có tình trạng người dân đi làm xét nghiệm máu một cách tràn lan và nghĩ rằng, xét nghiệm này có thể phát hiện bách bệnh. Song, thực chất, các dấu hiệu ung thư đại trực tràng chỉ xuất hiện rõ ràng khi tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, xét nghiệm máu không sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Bác sỹ Phương cũng lưu ý, nếu chỉ dựa vào những xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán bệnh là sai. Đặc biệt là với bệnh ung thư đại trực tràng, người bệnh cần được đánh giá dựa trên nhiều triệu chứng cụ thể, để từ đó đưa ra chiến lược tầm soát, chỉ định phù hợp. Mọi người khi thấy triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thay đổi khuôn phân, đi ngoài ra máu, hoặc lúc nào cũng muốn đi ngoài... cần phải đi khám sớm để phát hiện các tổn thương ngay, qua nội soi và thực hiện các thủ thuật xét nghiệm dưới sự can thiệp của nội soi để chẩn đoán bệnh./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xu-huong-tre-hoa-cua-benh-ung-thu-dai-truc-trang-dang-dien-ra-o-viet-nam-post1037877.vnp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu