VOV.VN – Với những giá trị nổi bật riêng có, quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị tổ tạo dựng và phát triển Thiền phái Trúc Lâm thuần Việt với tinh thần “hoà quang đồng trần”, gắn đạo với đời, phụng sự dân tộc
Trong tâm thức của người Việt, Yên Tử là dãy núi thiêng gắn với danh xưng “đất Phật”, nơi tìm về hành hương, thưởng ngoạn những ngôi chùa tháp cổ kính ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, mây núi phù vân. Vượt ra khỏi không gian cảnh quan, giá trị của quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử bao trùm suốt hơn 700 năm lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai (Hải Dương) được mở rộng nghiên cứu, khảo cổ trong thời gian qua, phát lộ nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, văn hoá.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận định: “Chúng ta không ngạc nhiên tại sao Phật hoàng lại chọn Yên Tử, dù đất nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh, ngọn núi thiêng. Ngài từ bỏ ngai vàng, giao cho thế hệ kế tục để lên núi cao, với tầm nhìn rộng, tuy tu hành nhưng là hướng tới trách nhiệm với quốc gia dân tộc và cộng đồng, và cả tôn giáo nữa. Ngài coi tất cả là một, là sứ mệnh thiêng liêng của mình. Vì thế Yên Tử là 1 vùng đất thiêng, mọi sự nhìn nhận ấy của Ngài đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc và đạo Phật của mình lên cao nhất.”
Hiện, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã hoàn thành cơ bản khối lượng hồ sơ khoa học Yên Tử. Theo lộ trình, hồ sơ lần 1 đề cử sẽ hoàn thiện trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7; Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris sẽ hoàn thiện trước ngày 31/12/2022./.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Ý kiến ()