Tất cả chuyên mục

Trong hành trình nửa thế kỷ xây dựng và phát triển sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025), nền văn học Long An (bộ phận hợp thành nền văn học tỉnh Tây Ninh ngày nay) đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc, không ngừng cất lên tiếng nói mạnh mẽ, phản ánh sâu sắc đời sống và tâm hồn của người dân trên vùng đất "Trung dũng, kiên cường". Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ đã khẳng định vị thế, góp phần quan trọng vào dòng chảy văn học nước nhà và nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.
Mạch nguồn sáng tác
Báo cáo tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật tỉnh Long An sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975- 30/4/2025) đã chỉ rõ, xuyên suốt hành trình phát triển, khuynh hướng chủ đạo trong sáng tạo văn học của Long An (này là Tây Ninh) là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với dân tộc, với nhân dân. Đây là mạch nguồn bất tận, bồi đắp cho từng trang viết, từng tác phẩm, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng và lòng nhân văn sâu sắc.
Văn học Long An đã không ngừng bám sát hiện thực cuộc sống, khai thác đa dạng các mảng đề tài, từ đó tạo nên bức tranh toàn cảnh về một Long An đang chuyển mình. Các tác phẩm đã ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất này, từ vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, những cánh đồng lúa xanh mướt, những dòng kênh xanh biếc đến con người Long An nghĩa tình, hiền hậu, cần cù nhưng cũng rất kiên cường, dũng cảm.
Rất nhiều tác phẩm đã ghi lại những đổi thay kỳ diệu của Long An trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH và củng cố quốc phòng - an ninh.
Hình tượng con người Long An (Tây Ninh) trong thời bình cũng được khắc họa chân thực và sống động trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị - xã hội. Đó là người nông dân cần cù, sáng tạo, đội ngũ cán bộ tận tụy, hay những chiến sĩ biên cương kiên trung thầm lặng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Qua nhiều tác phẩm văn học, những phẩm chất tốt đẹp của người Long An trong thời bình được thể hiện rõ nét, mang đến cho độc giả những cảm xúc chân thật.
Không chỉ dừng lại ở đó, văn học Long An còn chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Kế thừa truyền thống "Trung dũng, kiên cường" từ những cuộc kháng chiến, các tác phẩm đã tái hiện những trang sử hào hùng, những câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau.
Với đường biên giới giáp Campuchia dài gần 135km (của tỉnh Long An cũ), đề tài về chủ quyền biên giới quốc gia, đời sống đồng bào vùng biên và sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những chủ đề trọng tâm được các tác giả hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm có giá trị giáo dục cao đã ra đời, lan tỏa những tấm gương điển hình, những bài học sâu sắc về đạo đức và lối sống của Bác.
Văn học Long An không chỉ tái hiện lịch sử hào hùng mà còn mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại. Các tác phẩm chú trọng khai thác những khía cạnh đa dạng của đời sống xã hội, thể hiện rõ tinh thần đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu; đồng thời phát hiện, biểu dương và lan tỏa những câu chuyện tử tế, điều tốt đẹp, đã truyền cảm hứng tích cực, đưa các giá trị truyền thống dân tộc thấm sâu vào cuộc sống.
Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện được xem là một bước phát triển mới của văn học tỉnh nhà. Mặc dù chưa có những sự tìm tòi đột phá ở tầm vĩ mô, nhưng nhiều tác giả đã có nỗ lực đổi mới về nội dung phản ánh, chú trọng phát hiện những vấn đề mới mẻ, mang tính thời sự trong đời sống xã hội.
Tự do sáng tạo
Một trong những thành tựu quan trọng và đáng tự hào của văn học Long An chính là quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng tuyệt đối cả về nội dung, phong cách sáng tác và phương thức biểu hiện. Sự tự do này được đặt trên nền tảng vững chắc của truyền thống văn hóa địa phương và đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo không đi ngược lại chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chính sự tôn trọng và khuyến khích này đã tạo điều kiện tối ưu để các nhà văn phát huy tối đa khả năng sáng tạo, từng bước tạo nên dấu ấn cá nhân trong từng tác phẩm, làm phong phú thêm diện mạo văn học Long An.
Tỉnh đã tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích sáng tạo văn học, từ các cuộc thi sáng tác quy mô, các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn học, đến các chương trình quảng bá tác phẩm. Những hoạt động này không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và địa phương mà còn làm cho đời sống văn học trở nên phong phú, sinh động và sâu sắc hơn. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng cho chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng trong việc phát triển văn học, nghệ thuật.
Nòng cốt của sức sống văn chương
Trong hệ thống Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An, Chi hội Văn học giữ vai trò nòng cốt với 58 hội viên, trong đó có 2 hội viên Trung ương và 20 đảng viên. Trong đó, có nhiều hội viên nổi tiếng, có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng văn học trong khu vực và cả nước như Đinh Thị Thu Vân, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Hội, Tuyết Mai, Nguyễn Phấn Đấu,… Đây là lực lượng quan trọng, trực tiếp góp phần làm nên những thành tựu nổi bật của văn học tỉnh nhà.
Nhiều hội viên của Chi hội Văn học đã cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Để liên tục khích lệ và thúc đẩy hoạt động sáng tác, Chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, các chuyến đi thực tế sáng tác, giới thiệu và quảng bá tác phẩm.
Hằng năm, Chi hội thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, thu hút khá đông hội viên tham gia (trung bình từ 10 đến 20 hội viên mỗi chuyến). Bên cạnh đó, nhằm động viên và hỗ trợ kịp thời, trung bình mỗi năm, có 3 hội viên được Ban Chấp hành Chi hội hỗ trợ sáng tác, tạo nguồn động lực lớn cho các nhà văn dốc sức cho những tác phẩm mới.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chi hội Văn học đã có một sáng kiến đột phá khi ra mắt Câu lạc bộ Sáng tác trẻ trực thuộc Chi hội, thu hút trên 20 tác giả trẻ là học sinh tại các trường trung học phổ thông trong tỉnh tham gia sinh hoạt. Đây thực sự là một sân chơi lý tưởng, nơi các tác giả trẻ có thể thể hiện khả năng, nuôi dưỡng đam mê và từ đó tạo nguồn kết nạp hội viên, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ kế thừa, đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững của văn học Long An trong tương lai.
Các diễn đàn vinh danh giá trị sáng tạo
Bên cạnh các sân chơi tầm cở khu vực và cả nước, một trong những điểm nhấn quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với lĩnh vực văn học là Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông. Do UBND tỉnh tổ chức, giải thưởng này đã góp phần làm phong phú, sinh động và sâu sắc hơn đời sống văn học, nghệ thuật của tỉnh. Ra đời vào năm 2000, Giải thưởng Nguyễn Thông nhanh chóng trở thành một giải thưởng uy tín không chỉ ở Long An mà còn trong khu vực.
Giải thưởng này xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc ghi nhận và tôn vinh những thành quả lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh có các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, giá trị về đất và người Long An. Đây không chỉ là sự động viên, khích lệ to lớn về mặt tinh thần mà còn là một phần thưởng xứng đáng, thúc đẩy các nhà văn tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa cho nền văn học địa phương.
Trong suốt chặng đường 50 năm, Tạp chí Văn nghệ Long An đã duy trì việc xuất bản đều đặn, trở thành diễn đàn quan trọng, không thể thiếu để giới thiệu các tác phẩm văn học của tỉnh. Tạp chí không chỉ là nơi đăng tải các sáng tác mới của hội viên mà còn là cầu nối vững chắc giữa các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu với công chúng, góp phần phổ biến các giá trị văn học, định hướng thẩm mỹ cho độc giả.
Ngoài ra, việc xây dựng trang thông tin điện tử để giới thiệu các tác phẩm văn học và các hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh cũng cho thấy sự chủ động trong việc tiếp cận và lan tỏa các tác phẩm văn học đến đông đảo công chúng trong kỷ nguyên số. Đây là minh chứng cho sự linh hoạt và thích ứng của văn học Long An với xu thế phát triển của thời đại.
Đổi mới và vươn xa
Nhìn chung, quá trình sáng tạo văn học của Long An trong 50 năm qua luôn bắt nhịp theo xu hướng phát triển văn học chung của cả nước. Văn học tỉnh nhà đã thể hiện rõ tinh thần yêu quê hương, đất nước; phản ánh chân thực về cuộc sống lao động của nhân dân, về tình hình phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Mặc dù Long An hiện chưa xây dựng đội ngũ nghiên cứu, phát triển lý luận và phê bình văn học chuyên trách, nhưng các bài viết giới thiệu, nhận định, đánh giá tác phẩm văn học trên Báo Long An và Tạp chí Văn nghệ Long An đã đóng vai trò quan trọng. Những bài viết này không chỉ giúp các tác giả nhìn nhận lại hoạt động sáng tác của mình mà còn tạo động lực, định hướng cho sự phát triển của văn nghệ sĩ.
Trong bối cảnh mới, văn học Long An trước đây và văn học Tây Ninh ngày nay tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời đối mặt và vượt qua những thách thức còn tồn tại. Việc tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ nhà văn, đặc biệt là thế hệ trẻ; đa dạng hóa các hình thức sáng tác; khuyến khích các tác giả khám phá những mảng đề tài mới, mang tính đột phá; và tăng cường giao lưu, học hỏi từ văn học các địa phương khác cũng như tinh hoa văn học thế giới, sẽ là những bước đi chiến lược để văn học Long An - Tây Ninh tiếp tục cất cánh, xứng đáng với truyền thống "Trung dũng, kiên cường" của vùng đất này./.
Ý kiến ()