Hiện cơ quan chức năng các địa phương cũng đang vào cuộc tìm giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: Trước thực trạng sạt lở báo động trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, địa phương đã xin Trung ương hỗ trợ kinh phí làm kè kiên cố khoảng hơn 10 km ở những khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, tỉnh mới hoàn thành được khoảng 5,6 km, với kinh phí thực hiện khoảng 100 tỷ đồng mỗi km.
Theo ông Trưởng, không có biện pháp nào hiệu quả hơn biện pháp trồng rừng. Nhưng tại những điểm sạt lở nghiêm trọng, giải pháp hiệu quả nhất trước mắt vẫn phải làm kè kiên cố để bảo vệ.
Nói về giải pháp khắc phục hơn 16 km đường bờ biển Đông của xã mình, với nhiều điểm rất nguy cấp đã uy hiếp khu dân cư và vuông tôm người dân canh tác, ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Chủ tịch xã Tam Giang Đông cho biết: Trước mắt sẽ tuyên truyền, phổ biến thực trạng để người dân chủ động trong sản xuất và đời sống sinh hoạt. Còn về lâu dài, rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp làm kè kiên cố để bảo vệ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: Bờ biển Đông của tỉnh hiện có khoảng 48 km sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Trong đó, hơn 24 km sạt lở ở mức rất nguy hiểm. Đặc biệt, từ đầu tháng 2 đến nay, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp cùng triều cường dâng cao đã làm nhiều đoạn rừng phòng hộ bị mất 50 – 80 mét, với chiều dài khoảng 10 km. Đây là những đoạn sạt lở ảnh hưởng đến khu dân cư, đất sản xuất của người dân. Đối với những đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng này, cần phải làm kè cứng.
Tỉnh Cà Mau đã được Trung ương hỗ trợ thực hiện làm nhiều giải pháp kè. Đến nay, nhiều nơi đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Với giải pháp cứng, kè ngầm tạo bãi là loại hình kè phù hợp nhất. Loại kè này không chỉ giúp chắn sóng chống được sạt lở, mà còn giúp tạo bãi bồi, giúp phục hồi rừng ven biển.
Tuy nhiên, ông Tùng nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay là chiến lược chống sạt lở sao phải phù hợp. Không phải nơi nào cũng cần làm kè cứng cho tốn kém. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho rằng: “Khi sạt lở, cần tính toán vị trí nào cần sử dụng kè cứng, vị trí nào cần sử dụng kè mềm, vị trí nào có giải pháp kết hợp. Những vị trí trọng yếu, dân cư nhiều là buộc phải có giải pháp kè cứng. Hiệu quả đầu tiên là phục hồi lại được bãi, sau đó cây mắm tự tái sinh”.
Thực trạng sạt lở ven biển tại các địa phương vùng ĐBSCL thật sự rất nguy cấp. Giải pháp cũng đã được các địa phương đưa ra. Tuy nhiên, hầu như các tỉnh đều không đủ nguồn lực để tự khắc phục. Nhiều tỉnh đang khẩn trương xin kinh phí Trung ương để thực hiện các giải pháp kè nhằm giữ rừng, giữ đất sản xuất và đảm bảo đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, ngoài trông chờ vào sự trợ lực của Trung ương, các địa phương cũng phải chủ động ứng phó. Điều cần nhất hiện nay là phải tìm được giải pháp đầu tư tối ưu, phải chọn được hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Qua đó, vừa giúp tiết kiệm ngân sách trong điều kiện khó khăn hiện nay, vừa có thể đảm bảo chống sạt lở hiệu quả./.
Ý kiến ()