Nhiều thị trường rộng mở
Theo báo cáo tổng kết ngành LĐTBXH, năm 2016, kế hoạch xuất khẩu lao động được giao là 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài, song thực tế đã đưa được 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 46.029 lao động nữ, chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó có 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Ả rập Xê út, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác.
Đặc biệt, năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, mở rộng cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng cao. Đây là một trong những thành công của công tác xuất khẩu lao động trong năm qua. Trước đó, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU).
Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam. Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động đạt 1.000 – 1.500USD. Hiện nay, Việt Nam có hơn 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết: Năm 2017, Bộ LĐTBXH đặt kế hoạch đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài các thị trường truyền thống lớn, ngành đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.
Cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua một Luật mới tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó Việt Nam. Theo đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn.
Tương tự, trong năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại Đức. Hiện nay, cơ hội là rất rộng mở cho những lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh: Dù số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã tăng đều trong 3 năm trở lại đây, nhưng một vấn đề quan trọng được đặt ra là các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề lao động cao. Đặc biệt là các thị trường có mức lương khá, cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…
Với những yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác, chất lượng đã và đang là yếu tố ngày càng quan trọng trong thị trường xuất khẩu lao động ngoài nước. Người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như: ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp…
Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.
Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng./.
VOV-VN
Ý kiến ()