Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 01:30 (GMT +7)
COVID-19 tại ASEAN hết 19/11: Toàn khối có 7.441 ca mắc mới; Thái Lan kéo dài lệnh phong tỏa
Thứ 6, 20/11/2020 | 10:29:00 [GMT +7] A A
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 19/11, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 7.441 ca mắc COVID-19 và 142 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.085.788 ca, trong đó 25.690 người tử vong.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia ngày 11/11. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 4.798 ca, nâng tổng số ca lên 483.518 ca; số ca tử vong tăng thêm 97 ca, nâng tổng số ca lên lên 15.600 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN trong ngày 19/11.
Đứng thứ hai là Philippines. Bộ Y tế Philippines công bố thêm 1.337 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 413.430 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 41 ca, lên 7.988.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3/11.
Ảnh: THX/TTXVN
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 19/11 là Malaysia. Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.290 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 51.680 ca. Số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này tăng thêm 4 ca, lên 326 ca.
Thái Lan kéo dài lệnh phong tỏa
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mae Sot, tỉnh Tak, ngày 29/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Thái Lan đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa, cấm tụ tập đông người nhằm khống chế đà lây lan dịch bệnh.
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 45 ngày. Theo người phát ngôn CCSA Kaweesi Visanuyothin, sau khi được gia hạn, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/12/2020 đến 15/1/2021, qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021. CCSA cũng đã thông qua “về mặt nguyên tắc” đối với quyết định giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết nội các nước này đã đồng ý đặt mua của AstraZeneca (Anh) 23 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trị giá khoảng 115 triệu USD. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, nước này đang trong giai đoạn thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng hiện nay, Nội các Thái Lan đã quyết định mua 23 triệu liều vaccine của AstraZeneca nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Thái Lan đang nằm trong trong danh sách thứ 91 chờ mua vaccine của AstraZeneca. Bộ trưởng Thái Lan cũng cho biết tiền mua vaccine sẽ lấy từ ngân sách khẩn cấp của chính phủ. Ngoài ra, Viện Vaccine Quốc gia Thái Lan sẽ được cấp ngân sách 78,5 triệu USD để nghiên cứu và phát triển vaccine trong nước.
Philippines thúc đẩy kế hoạch mua vaccine
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 25/10.
Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Philippines đã đồng ý trả tiền trước cho các hãng dược phẩm để đảm bảo có được hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, cho biết nhà lãnh đạo Philippines đã đồng ý trả tiền trước bởi nếu không, nước này có thể nằm trong số những nước cuối cùng có được vaccine. Ông Roque cũng cho biết thêm, Tổng thống Duterte cũng “đồng ý về nguyên tắc” một sắc lệnh hành pháp, theo đó những vaccine phòng COVID-19 đã nước ngoài phê chuẩn dùng trong trường hợp khẩn cấp, có thể được sử dụng ở Philippines.
Là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, Philippines có kế hoạch đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng bệnh ban đầu để đảm bảo cho ít nhất 1/4 trong tổng số 108 triệu dân ở nước này được tiêm chủng trong năm tới.
Theo ông Carito Galvez, cựu quan chức đứng đầu lực lượng ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ, Chính phủ Philippines đang đàm phán về với một vài hãng dược điều chế vaccine, trong đó có hãng Pfizer Inc và Moderna Inc (Mỹ) về các hợp đồng cung cấp vaccine. Bên cạnh đó, giới chức
Philippines cũng đang quan tâm tới các thỏa thuận đặt mua vaccine song phương và đa phương, trong đó có khai thác Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các trường học tại Campuchia mở cửa trở lại
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Campuchia, sáng 19/11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã thông báo việc cho phép các cơ sở giáo dục công lập, tư thục tại thủ đô Phnom Penh, trung tâm tỉnh Kandal và sân vận động quốc gia Olympic hoạt động trở lại sau một thời gian gián đoạn.
Thông báo nêu rõ bộ trên quyết định cho phép các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal hoạt động trở lại lại từ ngày 23/11. Bộ cũng sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở vào ngày 30/11 và kỳ thi tốt nghiệp trung học vào ngày 21/12 tới. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân phải tiếp tục thực hiện Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP), duy trì khoảng cách an toàn giữa xã hội và cá nhân, nếu cần thiết phải đeo khẩu trang tại trường học để phòng chống dịch COVID-19. Đối với hoạt động thể thao, cơ quan trên cho phép Sân vận động quốc gia Olympic hoạt động trở lại từ ngày 19/11, nhưng phải tiếp tục thực hiện việc giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo các điều kiện y tế và an toàn xã hội.
Cùng ngày, báo chí Campuchia dẫn tuyên bố của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, cho biết “sự cố 3/11” đã được kiểm soát sau khi các kết quả xét nghiệm lần thứ 4 và cũng là lần cuối của ông và những người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó là âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên Facebook cá nhân, Thủ tướng Hun Sen nói rằng thông báo về việc kết thúc “sự cố 3/11” cũng đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao và Bộ Lao động có thể mở cửa trở lại các trường học, trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác. Tuy nhiên, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Như vậy sau 14 ngày tự cách ly, từ ngày 19/11, Thủ tướng Campuchia sẽ ra ngoài tham gia các sự kiện bình thường. Thời gian cách ly cũng kết thúc đối với 1.569 người ở Phnom Penh, 67 người ở tỉnh Kandal, 40 người ở tỉnh Pursat, 23 người ở Prey Veng và 3 người ở Kampong Thom có liên quan đến sự kiện 3/11. Thủ tướng Hun Sen thừa nhận “sự cố 3/11” có tác động rất lớn và diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đe dọa, người dân Campuchia cần nâng cao khả năng chống dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện giãn cách theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1911-toan-khoi-co-7441-ca-mac-moi-thai-lan-keo-dai-lenh-phong-toa-20201119212356586.htm
Ý kiến ()