Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 17:51 (GMT +7)
COVID-19 tại ASEAN hết 3/3: Trên 53.600 ca tử vong; Indonesia tiêm vaccine 1 triệu người/ngày
Thứ 5, 04/03/2021 | 11:01:00 [GMT +7] A A
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.457 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 53.600 người.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3/3/2021.
Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/2/2021.
Ảnh: THX/ TTXVN
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.745 ca bệnh mới, 7 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang hạ nhiệt khi trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong nào và chỉ có 19 ca bệnh mới. Xu thế dịch hạ nhiệt đang diễn ra ở quốc gia này.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 3/3 ghi nhận thêm 35 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 35 bệnh nhân mới trong ngày 3/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 28/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 53.601 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 230 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.473.683 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.178.902 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Timor-Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 3/3 cho biết, nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1 triệu người mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 6/2021.
Mục tiêu này được đưa ra theo kế hoạch số lượng vaccine sẽ đến Indonesia với tổng số 426 triệu liều. Cụ thể, 90 triệu liều vaccine được cung cấp trong giai đoạn từ tháng 1-6/2021, số còn lại đến từ tháng 7-12/2021.
Theo ông Budi, trong tháng 3 và 4, mỗi ngày sẽ có khoảng 500.000 nghìn người được tiêm chủng và đến tháng 6,7 có 1 triệu người được tiêm. Ông kêu gọi người dân tích cực tham gia chương trình tiêm chủng, nhấn mạnh đây là một nỗ lực của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 1/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Philippines tiếp tục diễn biến phức tạp khi nước này ngày 3/3 ghi nhận 1.783 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 582.223 ca.
Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 12.389 người sau khi ghi nhận thêm 20 ca tử vong. Số người đã bình phục hiện là 534.778 người, tăng 330 người.
Với dân số khoảng 110 triệu người, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 8 triệu dân kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên, DOH nhận thấy số ca mắc mới trong cộng đồng đã tăng đột biến trong tuần này và sự gia tăng này đã phá vỡ xu hướng ổn định được ghi nhận trong tháng 2. Theo Giám đốc Cục Dịch tễ của DOH Alethea de Guzman, DOH đã quan sát thấy các đợt bùng phát dịch kéo dài ở Metro Manila, khu vực Trung Visayas và một khu vực ở miền Bắc Philippines.
Trước đó một ngày, DOH xác nhận đã phát hiện 6 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi. Trong số này, 4 trường hợp được phát hiện trong các cộng đồng dân cư ở Metro Manila. Ngoài biến thể mới ở Nam Phi, Philippines cũng phát hiện 87 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Anh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết nước này tiếp tục không có ca mắc mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/3, Phó Tổng Cục trưởng Cục kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Lào, ông Phonepaserd Sayamoungkhoun cho biết hiện có 2.212 người đang được cách ly tập trung tại 31 cơ sở trên cả nước. Theo ông Phonepaserd, ngày 2/3 có tổng cộng 3.000 người nhập cảnh Lào qua các cửa khẩu quốc tế, tất cả đều được kiểm tra thân nhiệt và không có ai có dấu hiệu sốt. Chính phủ Lào sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp phòng ngừa và giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào Lào, theo đó người nhập cảnh sẽ được đưa tới các trung tâm cách ly trong 14 ngày.
Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 114.867 trường hợp nghi nhiễm và phát hiện 45 ca dương tính, trong đó 42 bệnh nhân đã bình phục. Lào công bố 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 24/3/2020.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 23/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Campuchia ngày 3/3, hơn 10.000 người dân ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã được cách ly và điều trị trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và những địa điểm có liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp tục tăng lên từng ngày. Chính quyền Phnom Penh thông báo đã bắt đầu chương trình cứu trợ khẩn cấp cho những trường hợp không thể mưu sinh và hỗ trợ gia đình mình trong thời gian cách ly 14 ngày.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết việc cách ly hàng loạt là cách duy nhất để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng tại thủ đô. Phát biểu của ông Khuong Sreng đưa ra vào thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu lan vào các nhà máy dệt may ở Campuchia với một trường hợp nữ công nhân ở quận Dangkor (Phnom Penh) được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, gây nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng trong các nhà máy. Ông Khuong Sreng cho rằng việc cách ly ồ ạt là không dễ dàng, nhưng nếu không thực hiện điều này, tình hình sẽ vô cùng nghiêm trọng khi toàn bộ thủ đô Phnom Penh bị phong tỏa.
Cho đến nay, Chính phủ Campuchia đã tạm thời đóng cửa khoảng 76 địa điểm công cộng, dịch vụ giải trí cùng trường học tại Phnom Penh, Kandal và Preah Sihanouk do liên quan đến “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.
Tính đến sáng 3/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 878 trường hợp, trong đó 34 ca mới phát hiện (17 người Trung Quốc, 15 người Campuchia và 2 người Việt Nam tuổi từ 19 đến 44) đều có liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”.
https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-33-tren-53600-ca-tu-vong-indonesia-tiem-vaccine-1-trieu-nguoingay-20210304050035914.htm
Ý kiến ()