Ngày 15/5, tại An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trong thời gian qua.
Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 500 điểm sạt lở. Thời gian gần đây, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển như Gành Hào (Bạc Liêu), sạt lở xã Đất Mũi (Cà Mau), bờ sông Vàm Nao ở An Giang và sạt lở sông Hậu ở Đồng Tháp…
Theo ông Hoài, có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở như khai thác cát sỏi trái phép, chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn; nước biển dâng, lún sụt đất do khai thác nước ngầm; thay đổi phân lưu sông Tiền, sông Hậu; mất cân bằng bùn cát, địa chất vùng Đồng bằng sông Cửu Long mềm yếu…
Ông Trần Quang Hoài nhận định một số tồn tại trong quản lý khai thác cát sỏi chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, trước mắt cần quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi, xử lý nghiêm vi phạm. Về lâu dài, các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ sông, bãi biển; ứng dụng khoa học công nghệ trong chấn chỉnh lòng sông.
Ông Hoài kiến nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển, trên cơ sở đó tổng hợp đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 51 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km trên tổng số 400km đường bờ sông của tỉnh (chiếm 40%). Trong 162 km cảnh báo có 15 đoạn dài khoảng 30km nằm trong dạng nguy hiểm có khả năng sạt lở cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của khoảng 20.000 hộ dân.
Riêng vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 22/4 vừa qua tại tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang làm 14 căn nhà và 2 nền sụp hoàn toàn xuống sông, 107 hộ dân và 1 nhà máy xay xát gạo phải di dời khẩn cấp; nguyên nhân bước đầu được xác định là do xuất hiện hố xoáy.
Đến thời điểm này, tại khu vực sạt lở tiếp tục uy hiếp 4 căn nhà; hàm ếch tiếp tục khoét sâu vào đất liền, nhiều vết nứt mới xuất hiện…
[Thông tin mới về vụ sạt lở bờ sông làm sập 14 căn nhà ở An Giang]
Từ diễn biến sạt lở, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương 116 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng địa phương chi khắc phục sạt lở, 32 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu dân cư bố trí người dân bị sạt lở vào ở và 34 tỷ đồng di dời trường Tiểu học A Mỹ Hội Đông khỏi khu vực sạt lở.
Không chỉ có tỉnh đầu nguồn An Giang, tỉnh Đồng Tháp – địa danh giáp ranh với tỉnh An Giang cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi sạt lở bờ sông.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, đoạn sông Tiền chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài gần 123km, hàng năm lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về với dòng chảy xiết với lưu tốc trên 2m/s áp sát vào bờ tại các vị trí đoạn sông cong, tạo hàm ếch gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều vị trí.
Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 13 vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, tổng diện tích sạt lở 5.924m2, trong đó nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nhất là tại khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.
Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở là 3.250m2 , ảnh hưởng 227 hộ dân, trong đó có 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp.
Trước tình hình sạt lở diễn ra theo chiều hướng gia tăng, đang đe dọa 227 hộ dân và uy hiếp quốc lộ 30, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn cấp hỗ trợ 72,8 tỷ đồng để đầu tư xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở dài 600m; tiếp tục xử lý chống sạt lở đoạn còn lại dài 1.700m từ chân kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (trừ đoạn xử lý giai đoạn khẩn cấp là 600m), kinh phí thực hiện khoảng 172 tỷ đồng; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đánh giá về dòng chảy và điều chỉnh các đoạn cắt hẹp, các đoạn cong gây sạt lở sông; đề nghị Bộ Giao thông vận tải có biện pháp an toàn cho Quốc lộ 30…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, qua khảo sát gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và An Giang có trên 400 xà lan đậu chờ lấy cát. Dư luận và các nhà khoa học cho rằng việc khai thác cát gây sạt lở bờ sông. Hiện nay cát sông vừa khan hiếm vừa có hiện tượng đầu cơ do giá cát đang tăng cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, cát ở An Giang, Đồng Tháp không đủ nguồn cung cấp cho cả nước, trong khi đó Singapore có thể sử dụng cát nước mặn làm cát xây lắp. Do đó, vấn đề này Bộ Xây dựng cần nghiên cứu để có tiêu chuẩn chọn vật liệu thay thế cát nước ngọt, cát xây lắp, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu về cát như hiện nay.
Trước tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự báo, lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ cho biết các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm mất hàng trăm hécta đất bờ sông, bờ biển; hàng nghìn hộ dân đang gặp khó khăn về nơi ở, trong khi đó, các địa phương đang gặp khó về vốn để đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư bố trí dân vào ở; công tác dự báo, đánh giá tác động môi trường thiên tai còn hạn chế…
Về lâu dài, trong việc khắc phục sạt lở, lãnh đạo nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với địa phương, các nhà khoa học sớm khảo sát, đánh giá lại toàn tuyến sông Hậu, sông Tiền để xác định mặt cắt đáy sông, dòng chảy, nguồn phù sa, cát sỏi…, từ đó giúp các địa phương chủ động trong phòng chống sạt lở; Bộ Xây dựng nhanh chóng triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư cho người dân vùng sạt lở.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Phó Thủ tướng nhấn mạnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của biển đối khí hậu gây nên tình trạng khô hạn, xâm ngập mặn, sạt lở sâu rộng.
Trước thực trạng này, lãnh đạo các tỉnh cần quyết tâm hơn nữa trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt, các tỉnh cần chủ động chuyển đổi cây trồng, mô hình kinh tế cho phù hợp…
Về công tác phòng chống sạt lở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, trong khi đó các địa phương chưa có “kịch bản” hay giải pháp đồng bộ để ứng phó sạt lở bờ sông, biển; đặc biệt là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm khảo sát đánh giá dòng chảy, mặt cắt đáy sông, lượng phù sa của sông Tiền và sông Hậu về hàng năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát lại việc cấp phép khai thác cát, sỏi, đánh giá tổng lượng cát, sỏi về trong năm và tổng lượng cát, sỏi khai thác; xem lại các quy hoạch khai thác cát, sỏi; những vùng quy hoạch khai thác cát sỏi bất hợp lý thì xóa bỏ…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính cần phối hợp, xem xét vấn đề về vốn để sớm triển khai các dự án khu dân cư cho nhân dân vùng sạt lở; bố trí nguồn ngân sách cho các địa phương thực hiện các biện pháp, công trình phòng chống sạt lở…
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân; khẩn trương di dời các hộ dân đang còn sinh sống trong vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Đối với những hộ dân đã di dời cần quan tâm đến đời sống, nơi ở, việc làm và việc học hành của trẻ em, rà soát lại quy hoạch kinh tế-xã hội, đặc biệt là quy hoạch xây dựng khu đô thị dân cư nông thôn./.
Ý kiến ()