Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 20:49 (GMT +7)
Điểm danh các nước đóng cửa chống COVID-19 ‘nghiêm khắc nhất’
Thứ 5, 25/02/2021 | 12:03:00 [GMT +7] A A
Vaccine ngừa COVID-19 được xem là tia hy vọng giúp ngăn chặn, chấm dứt đại dịch. Nhưng ở thời điểm hiện nay, lệnh đóng cửa, hạn chế đi lại vẫn được duy trì ở nhiều quốc gia.
Sân bay quốc tế Ben Gurion ở gần Tel Aviv vẫn đặt trong tình trạng đóng cửa. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2020, đa phần các nước đều áp dụng biện pháp đóng cửa ở một thời điểm nhất định trong năm. Nhiều quốc gia bắt đầu tính đến giải pháp mở cửa, từng bước trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội vẫn được duy trì nghiêm. Dưới đây là 7 nước áp dụng biện pháp mạnh tay nhất.
1. Eritrea: Người dân Eritrea đang sống trong điều kiện hà khắc nhất trên thế giới xét theo tiêu chí hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội. Trên thực tế, quốc gia ở vùng đông bắc châu Phi này đã thực hiện đóng cửa từ ngày 1/4 năm ngoái.
Eritrea là nước áp dụng quy định ngặt nghèo nhất về đóng cửa, giãn cách trên thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: The National
Mọi phương tiện giao thông công cộng đều bị dừng. Đến tháng 12/2020, chính quyền Eritrea ban hành lệnh cấm sử dụng ô tô và các phương tiện cá nhân khác mà không có giấy phép. Trường học đóng cửa toàn bộ, không cá nhân nào được phép di chuyển khỏi làng mạc, thành phố đang sinh sống. Hoạt động kinh doanh cũng bị đình chỉ, ngoại trừ các công ty cung ứng dịch vụ thương mại và số này cũng buộc phải đóng cửa sau 8 giờ tối.
Eritrea hiện đóng cửa biên giới với bên ngoài. Cảnh sát và lực lượng thực thi pháp luật địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát. Người dân nước này được cảnh báo có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp hạn chế mới.
2. Turkmenistan: Turkmenistan là một trường hợp rất đặc biệt. Quốc gia Trung Á này được mệnh danh là nơi “miễn nhiễm virus”, khi chưa ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm SARS-CoV-2 chính thức nào. Turkmenistan trong giai đoạn đầu của đại dịch thậm chí còn cấm nhắc đến tên chủng virus Corona và bắt giữ 4 người vì họ đeo khẩu trang.
Turkmenistan được mệnh danh là quốc gia miễn nhiễm với COVID-19. Ảnh: The National
Nhưng lệnh đóng cửa nghiêm ngặt đã được Turkmenistan thực hiện từ tháng 7/2020, sau khi một đội chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đến làm việc tại Turkmenistan và khuyến cáo chính phủ nước này “hành động ở mức như đang có dịch bùng phát”. Chưa rõ lệnh này được dỡ khi nào, nhưng Turkmenistan ngày nay lại được đặt trong tình trạng đóng cửa, với lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực đến hết tháng 2.
Các biện pháp hạn chế bao gồm đóng cửa toàn bộ biên giới quốc gia đường bộ, ngừng các chuyến bay quốc tế, quy định về hạn chế đi lại, trong đó có việc tuân thủ cách ly 14 ngày đối với người di chuyển trong nội địa và 21 ngày với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Turkmenistan.
Dịch vụ tàu điện, xe bus bị cắt. Công dân muốn di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác phải có giấy phép. Siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, thể thao, cơ sở thờ tự đều đóng cửa vô thời hạn. Nhà hàng và quán cafe được phép hoạt động, nhưng chỉ bán cho khách mang đi. Học sinh, sinh viên vẫn đến trường, nhưng phải tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn nghiêm ngặt.
3. Philippines: Philippines thực hiện biện pháp hạn chế di chuyển, giãn cách tại Philippines mạnh tay. Nhiều vùng hiện vẫn còn trong tình trạng đóng cửa và giới chức nước này tuyên bố sẽ không dỡ lệnh đóng cửa đối với số khu vực trong tương lai gần.
Philippines thực thi biện pháp hạn chế, giãn cách mạnh tay để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Ảnh: Reuters
Vùng hành chính Cordillera ở phía Bắc trong tháng 2 này là cái tên mới nhất được đặt trong tình trạng “cách ly cộng đồng phổ quát”, sau vùng Thủ đô Manila và một số vùng hành chính khác có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Trường học đóng cửa gần như trong cả năm 2020 và vẫn chưa được mở trở lại, bất chấp lời kêu gọi của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về tạo điều kiện để học sinh tới trường. Tại Philippines, trẻ em không những chưa được đi học, mà còn không được phép ra khỏi nhà.
Quy định được đưa ra từ một năm trước, yêu cầu khoảng 32 triệu công dân Philippines dưới 15 tuổi ở nhà, hiện vẫn được duy trì. Quyết định này được cho là để bảo vệ người già và số đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước dịch bệnh, khi họ có văn hóa sống chung nhà với thanh, thiếu niên.
Philippines là tâm dịch lớn thứ hai tại Đông Nam sau Indonesia. Nước này ghi nhận 564.000 ca mắc và hơn 12.000 người tử vong vì COVID-19.
4. Anh: Bốn vùng lãnh thổ trong Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai-len có cách tiếp cận khác nhau trong việc kiểm soát đà lây lan COVID-19, nhưng đều có chung biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hoạt động di chuyển, tuân thủ giãn cách. Vùng England (Anh) đã được đặt trong trạng thái đóng cửa lần 2 từ tháng 11/2020, sau khi giới y tế Anh cảnh báo hệ thống y tế sắp sửa quá tải vì đông bệnh nhân điều trị.
Đường phố tại London vắng bóng người khi Anh thực hiện quy định đóng cửa. Ảnh: EPA
Lệnh ở nhà, đóng cửa những cửa hàng không thiết yếu được áp dụng tại England sau đó. Đa phần người dân làm việc từ xa, trường học chưa mở cửa trở lại. Cư dân được phép ra khỏi nhà tập thể dục ngoài trời, nhưng chỉ đi một mình và cũng chỉ một lần trong ngày, không đi khỏi khu vực sinh sống.
Tại xứ Wales, Scotland, Bắc Ai-len, biện pháp đóng cửa với những hạn chế tương tự như ở England cũng được áp dụng. Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây cho công bố kế hoạch nới lỏng lệnh đóng cửa tại England, bắt đầu từ ngày 21/6 tới, nếu các điều kiện nghiêm ngặt về phòng chống dịch được bảo đảm.
Vương quốc Anh là một trong những nước có tỉ lệ mắc và tỉ vong cao nhất trên thế giới tính theo dân số, với hơn 4,1 triệu ca nhiễm và hơn 120.000 người thiệt mạng do COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại.
5. Israel: Israel là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ tiêm ngừa vaccine COVID-19 trên quy mô dân số. Khoảng 50% trong tổng số gần 10 triệu dân Israel đã được tiêm vaccine ít nhất một mũi. Nhưng Israel cũng là nước có mức lây nhiễm cao nhất thế giới tính trên số dân.
Đi đầu về tiêm phòng, nhưng Israel cũng là nước có tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 hàng đầu thế giới tính theo dân số. Ảnh: The National
Tháng 1 vừa qua ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh ở Israel, lên mức trung bình 10.000 ca/ngày. Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trước đó cũng buộc phải áp dụng biện pháp đóng cửa trên quy mô toàn quốc trong ba tuần, sau khi Israel ghi nhận biến chủng mới có nguồn gốc từ Anh, với khả năng lây nhiễm cao hơn. Ở thời điểm hiện nay, công dân Israel vẫn chưa được phép di chuyển quá bán kính 1 km tính từ nhà ở, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.
Israel cũng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, sau những tín hiệu khả quan từ chương trình tiêm chủng vaccine. Cửa hàng mặt phố, trung tâm thương mại, siêu thị, bảo tàng, thư viện bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 21/2. Người dân có chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19 có thể được lui tới phòng tập gym, các trung tâm thể thao, khách sạn, bể bơi, những địa điểm văn hóa.
Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Israel ghi nhận khoảng 750.000 ca mắc và 5.600 ca tử vong. Số lượng ca mắc mới trong ngày 23/2 vẫn là gần 5.000 ca.
6. Australia: Australia là một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện biện pháp hạn chế mạnh tay. Chính phủ nước này đã ban bố lệnh đóng cửa thành phố Melbourne trong vòng 112 ngày để đối phó với đợt bùng phát dịch thứ hai vừa qua.
Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, vừa phải trải qua đợt đóng cửa trong 4 ngày. Ảnh: The National
Trong tháng này, bang Victoria với 6,4 triệu dân, từng phải thực thi đóng cửa 4 ngày để dập ổ dịch bùng phát sau sự xuất hiện của một số ca mắc biến chủng có nguồn gốc từ Anh. Đây là lần thứ 3 Melbourne đóng cửa.
Australia ghi nhận 29.000 ca nhiêm và 909 trường hợp tử vong kể từ thời điểm dịch bùng phát. Ngày 23/2, nước này có 7 ca nhiễm mới.
7. Peru: Quốc gia Nam Mỹ này mới thực thi lệnh đóng cửa 15 ngày, tính từ hôm 14/2, đối với 9 khu vực, trong đó có thủ đô Lima, nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Peru vừa thực thi lệnh đóng cửa 15 ngày với 9 khu vực trong cả nước, trong đó có thủ đô Lima. Ảnh: Reuters
Hiện tại, người dân Peru chỉ được phép ra khỏi nhà để mua đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết. Mọi công dân đều được khuyến khích làm việc từ xa nếu điều kiện cho phép. Nhà hàng mở cửa, nhưng chỉ phục vụ khách mang đi. Các doanh nghiệp phi thiết yếu chưa được phép hoạt động trở lại.
Lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau được ban hành cùng với lệnh đóng cửa vẫn còn hiệu lực. Xe ô tô cá nhân cũng bị hạn chế ở một số địa điểm vào dịp cuối tuần.
Peru là một trong những nước Mỹ Latinh chịu tác động mạnh nhất bởi COVID-19.
Quốc gia này ghi nhận 1,3 triệu ca mắc, khoảng 45.000 người tử vong. Trong ngày 23/2, Peru thông báo có 3.448 ca mắc mới và 166 người tử vong.
https://baotintuc.vn/the-gioi/diem-danh-cac-nuoc-dong-cua-chong-covid19-nghiem-khac-nhat-20210224125231962.htm
Ý kiến ()