Chủ Nhật, 24/11/2024 01:43 (GMT +7)

Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ

Thứ 6, 01/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), thống kê trong 2 tuần gần đây cho thấy số ca mắc đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 150 người đến khám vì đau mắt đỏ, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đến khám. Theo các bác sĩ nhãn khoa, thực tế, số người mắc bệnh trong cộng đồng còn nhiều hơn vì phần lớn không đi khám mà tự chữa tại nhà.

Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn, virút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Nguyên nhân chủ yếu do Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao… Đặc biệt, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần.
Để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân như: Thuốc nhỏ mắt, khăn mặt… Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Bệnh nhân đau mắt đỏ cần lau rửa dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Khi trẻ mắc bệnh, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra.
P.Liên – TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu