Thứ Hai, 25/11/2024 06:21 (GMT +7)

Giảm chi phí sản xuất từ canh tác lúa thông minh

Thứ 6, 08/04/2022 | 15:20:53 [GMT +7] A  A

Vụ đông xuân 2021-2022, chương trình canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại diện mạo mới trong canh tác lúa ở khu vực này. Qua đánh giá, các mô hình sản xuất lúa thông minh giúp giảm lượng giống gieo sạ, tiết giảm chi phí vật tư, năng suất tốt… dẫn đến lợi nhuận tăng.

Bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa đông xuân. (Ảnh: Nguyễn Phong)

Trong vụ đông xuân vừa qua, chương trình canh tác lúa thông minh được thực hiện 24 mô hình với 96 hộ dân tham gia ở 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long là: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang…

Chương trình được triển khai từ tháng 10/2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng vẫn được thực hiện có hiệu quả. Nhằm bảo đảm sản xuất, ban cố vấn chương trình đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nhân dân và cán bộ thực hiện qua hình thức trực tuyến với các chuyên đề như: Giải pháp quản lý dinh dưỡng cho cây lúa theo từng nhóm đất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp giảm giống và kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và hướng dẫn điều tra nông hộ; hướng dẫn cài đặt và truy cập thông tin độ mặn, pH nước tại các trạm quan chắc nước tự động…

Bên cạnh đó, bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật được ban cố vấn chương trình hướng dẫn kỹ thuật làm đất, quản lý nước tưới, IPM, giảm giống gieo sạ, quy trình bón phân, thu hoạch đúng độ chín, canh tác thân thiện với môi trường.

Khi tham gia mô hình, bà con nông dân đều sử dụng các giống lúa chủ lực được các địa phương khuyến cáo hiện nay như: ST25, OM 18, Đài Thơm 8, OM 5451… Ngoài ra, có một số mô hình sử dụng các giống lúa đặc thù như OC 10 tại Ba Tri (Bến Tre), ML202 tại Châu Thành (Đồng Tháp)…

Điều đáng nói, khi sản xuất theo mô hình lúa thông minh lượng giống gieo sạ là 75,7 kg/ha, so bình quân ruộng đối chứng giảm được 36,3kg. Nông dân trong sản xuất trong mô hình cũng đã mạnh dạn áp dụng các phương pháp gieo sạ tiên tiến, tập trung cơ giới hóa khâu gieo sạ với tỷ lệ đạt hơn 29%, sạ hàng hơn 18% và cấy là 4,2%.

Cũng theo đánh giá, các ruộng thực hiện canh tác lúa thông minh đều có năng suất tăng so mô hình đối chứng. Qua tổng hợp các mô hình phổ biến đạt mức tăng khoảng 10%, trong đó mô hình sản xuất tại Cầu Ngang (Trà Vinh) và Tháp Mười (Đồng Tháp) năng suất tăng hơn 20%.

Với việc giảm giống lúa gieo sạ, năng suất cao, chủ động trong việc tiết giảm chi phí vật tư trong sản xuất. Trong đó nhiều mô hình đã tiết giảm chi phí đầu tư hơn 3 triệu đồng/ha, cá biệt cho mô hình giảm gần 8 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, giúp lợi nhuận đã tăng lên từ 2 đến 4 triệu đồng/ha, một số mô hình có lợi nhuận gần 10 triệu đồng/ha như ở Gò Quao (Kiên Giang), Cầu Ngang (Trà Vinh), Châu Thành (Đồng Tháp).

Ông Cao Văn Long Ân, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang) chia sẻ “khi tham gia mô hình, gia đình tôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật sạ thưa qua đó vừa giảm được lượng giống, cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu, bệnh gây hại. Theo đánh giá, với giá bán lúa khoảng 6.000 đồng/kg thì thu nhập khoảng 45 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất 25 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng”.

Có thể thấy, chương trình canh tác lúa thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vụ đông xuân 2021-2022 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đặc biệt trong tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất, sâu, bệnh gây hại thì sản xuất lúa theo hướng thông minh sẽ giúp bà con nông dân có lợi nhuận tốt hơn. Các mô hình không chỉ giúp cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng sản xuất cho nhân dân khi tham gia mà còn tác động đến các nông hộ lân cận. Một số nơi, bà con nông dân đã chủ động áp dụng kỹ thuật bón phân trong mô hình vào ruộng gia đình.

Nhằm thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh trong vụ hè thu 2022, các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì thực hiện tại 24 điểm đã thực hiện và bổ sung thêm hai mô hình tại U Minh Thượng (Kiên Giang) và Thạnh Hóa (Long An). Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp công ty truyền thông tiếp tục thực hiện các video hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa để cung cấp các giải pháp canh tác theo hướng dễ hiểu, trực quan cho bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật tham gia mô hình; cung ứng miễn phí tất cả phân bón cho mô hình thực hiện trong vụ hè thu 2022.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn thường xuyên cử cán bộ thăm đồng để điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí thu nhập nhằm đánh giá hiệu quả mô hình được tốt hơn; tập trung các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp, giảm số lần và chi phí thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết; thực hiện phân tích mẫu lúa cuối vụ để đánh giá mức độ an toàn của lúa canh tác trong các mô hình…

NGUYỄN MẠNH HÙNG (Nhân Dân Online)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu