Cho đến nay nhiều nhận định cho rằng, Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman – một chính trị gần gũi với Tổng thống Petro Proshenko – sẽ là người được chọn thay thế ông Yatsenyuk làm Thủ tướng mới của Ukraine.
Chẳng tạo ra sự thay đổi trong quan hệ Nga-Ukraine
Ông Yatsenyuk – người trở thành Thủ tướng Ukraine sau khi các cuộc biểu tình Maidan từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 kết thúc với việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych – chưa bao giờ được lòng các chính trị gia Nga chủ yếu do những chỉ trích gay gắt của ông này về Nga cũng như giới lãnh đạo nước này.
Bình luận về quyết định từ chức của Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Putin, Dmitry Peskov nói rằng ông Yatsennyuk “đã không tạo ra bất kỳ một dấu ấn nào đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ hai nước” và “quan điểm của chính trị gia này này cũng chẳng có đóng góp gì nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại vùng Donbas, Ukraine”.
Theo các nhà phân tích Nga, việc ông Yatsenyuk từ chức sẽ chẳng tạo ra sự thay đổi nào thực sự đáng kể trong mối quan hệ Nga-Ukraine, tuy nhiên về khía cạnh tâm lý nó có thể mang một ý nghĩa nhất định nào đó.
Với việc ông Yatsenyuk từ chức, mối quan hệ giữa Moscow và Kiev có thể sẽ “ít bị kích động hơn”, Vladimir Zharikhin, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu CIS nhận định.
Không phải là cơ hội để thực thi Hiệp định Minsk
Điện Kremlin đã nhấn mạnh kỳ vọng đầu tiên và quan trọng nhất đối với tân Thủ tướng Ukraine sẽ liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Minsk cũng như lộ trình nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột ở vùng Donbas.
Cho đến nay, Kiev và Moscow vẫn cáo buộc lẫn nhau không thực thi đầy đủ nghĩa vụ của họ đối với Hiệp định Minsk. Trong khi đó các nhà lãnh đạo châu Âu cũng phàn nàn rằng Nga không thực hiện đầy đủ các thỏa thuận, đồng thời thúc ép Ukraine cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết những bế tắc chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, sự ra đi của ông Yatseniuk có vẻ sẽ không mang lại những thay đổi theo chiều hướng tích cực đó. Việc Thủ tướng Ukraine từ chức được cho là không ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa các lực lượng chính trị tại Kiev, ông Igor Bunin, giám đốc trung tâm nghiên cứu độc lập về Chính trị và công nghệ cho biết.
Ông Bunin cho rằng, chính phủ mới của Ukraine sẽ vẫn được thành lập dựa trên sự liên minh của hai phe là đảng Mặt trận nhân dân của ông Yatseniuk và khối Petro Poroshenko của Tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, liên minh này sẽ khó có thể thông qua hiến pháp cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Donbas.
Theo Hiệp định Minsk, Ukraine có nghĩa vụ phải sửa đổi hiến pháp trong đó quy định quy chế đặc biệt cho vùng Donbas. Tuy nhiên việc sửa đổi hiến pháp này cần phải được ít nhất 2/3 số phiếu thông qua.
Theo các nhà phân tích, hiện Tổng thống Poroshenko khó có thể đạt được sự hỗ trợ cần thiết từ các thành viên quốc hội, ngay cả khi ông tìm cách nhằm thực hiện nghiêm túc Hiệp định Misk. Hiện đa số các thành viên quốc hội Ukraine vẫn từ chối không chấp nhận dự luật về tình trạng của các vùng nổi loạn ở Donbas.
Củng cố quyền lực của Tổng thống Poroshenko
Các nhà phân tích Nga dự đoán việc từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk sẽ không đồng nghĩa với việc khủng hoảng chính trị tại Kiev trong nhiều tháng qua sẽ kết thúc, tuy nhiên nó có thể sẽ củng cố thêm vị thế của Tổng thống Poroshenko.
Hiên ứng cử viên thích hợp nhất để thay thế ông Yatsenyuk làm thủ tướng là Chủ tịch Quốc hội Groysman – một người được cho là đồng minh lâu năm của Tổng thống Poroshenko.
Ông Vladimir Zharikhin tin rằng, việc Tổng thống Poroshenko củng cố thêm vị thế từ sự ra đi của ông Yatsenyuk đồng nghĩa với sự suy yếu của các nhóm thân Mỹ trong các chính trị gia Ukraine và châu Âu có thể dễ dàng gây áp lực buộc Kiev thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Hiệp định Minsk.
Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng việc Tổng thống Poroshenko củng cố thêm quyền lực đồng nghĩa với việc thực hiện Hiệp định Misk tiếp tục bị trì hoãn./.
Ý kiến ()