Trong bối cảnh người đứng đầu Chính phủ đang thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, có thể thấy rằng “văn hóa từ chức” được xem như một yếu tố cần thiết, một yếu tố không thể thiếu.
Từ trước tới nay, dường như văn hóa từ chức ở ta được coi như một hiện tượng, một sự cá biệt, chứ chưa được coi như một nhu cầu, một yêu cầu không thể thiếu. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng khi còn làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng trả lời trên báo chí rằng, trong cơ chế quan liêu bao cấp, cơ hội của đời người chỉ tập trung vào một dãy ghế, cơ hội nhiều hơn ở những ghế cao hơn. Trong giai đoạn đầu chuyển sang cơ chế thị trường, cơ hội do thị trường mang lại chưa nhiều, vì thế chức tước vẫn đưa lại nhiều cơ hội hơn. Do vậy, người ta phải cố lên được một cái ghế và bám lấy nó, để có quyền lợi đi theo.
Quan niệm “làm quan” được coi là một sự thành đạt cao nhất của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Vì thế nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả. Mặt khác, từ chức bị coi là việc làm hết sức nặng nề ở Việt Nam, không chỉ nặng nề cho bản thân người từ chức mà cho cả gia đình, người thân của họ.
Trước quyết tâm của Thủ tướng xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, người dân kỳ vọng, từ phát ngôn của Thủ tướng về văn hóa từ chức, người đứng đầu Chính phủ sẽ khởi xướng một phong cách làm việc thực sự vì dân ở đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp ngành.
Ông Đỗ Văn Lạc, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng, cho rằng, có thể coi phát ngôn của Thủ tướng như một sự cảnh báo, đánh động khiến cán bộ lãnh đạo các cấp, các vị tư lệnh ngành cần phải soi xét lại mình, để phấn đấu. Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động không thể để tồn tại những cá nhân mờ nhạt, không mang lại lợi ích cho dân.
“Để mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng khả thi, trước hết, mỗi cán bộ lãnh đạo phải có lòng tự trọng, thực sự làm việc vì dân. Trong bộ máy đó, người đứng đầu Chính phủ, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải nắm rõ và có những đánh giá, nhận xét xác thực nhất về cấp dưới của mình, từ đó công khai quan điểm và xếp loại đối với cán bộ, cấp dưới để nhân dân nắm được”, ông Lạc đề nghị.
Từ chức sẽ trở thành những việc làm, hành động tự nhiên khi Chính phủ có quyết tâm thực hiện, không nhất thiết phải tuân thủ các quy trình rườm rà. Thực chất, văn hóa từ chức thuộc về phạm trù đạo đức, thể hiện lòng tự trọng của mỗi cá nhân ứng xử trước các vụ việc. “Người cán bộ phải có đủ dũng cảm, chiến thắng được bản thân trước những quyền lợi từ chức vụ, quyền hạn mang lại. Người cán bộ thực sự vì dân, thì chỉ cần một lá đơn từ chức, nhường lại vị trí cho những cán bộ có năng lực, phù hợp hơn, việc từ chức hoàn toàn có thể thực hiện được. Quan trọng là người đứng đầu phải liêm chính”, ông Lạc nhấn mạnh.
Có thể tạo hành lang pháp lý cho “văn hóa từ chức”
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực tế chưa thể cho nghỉ việc đối với một bộ phận cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp…; và những cán bộ này cũng không xin nghỉ hay từ chức là do hành lang pháp lý về quyền lợi chưa được cụ thể hóa bằng pháp luật.
Để sắp xếp hiệu quả nhân sự giúp bộ máy vận hành trơn tru cần hoạch định cải cách chế độ công chức hiện nay bằng ký hợp đồng lao động, sẵn sàng sa thải khi cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức. Cần học hỏi vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển về tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng lao động, để người cán bộ công chức có trách nhiệm đối với công việc của mình và đối với xã hội, đất nước.
Từ chức là biểu hiện của lòng tự trọng, văn hoá cao, thuộc phạm trù đạo đức nhiều hơn pháp luật. Chúng ta nên hình thành một hệ thống đạo đức như vậy hơn là quy định những chuyện thuộc về phạm vi điều chỉnh của đạo đức bằng pháp luật. Người ta từ chức để nhận trách nhiệm, để lương tâm không bị cắn rứt; họ từ chức vì họ thấy đáng ra họ phải làm được tốt hơn.
Tuy nhiên, khi bị ảnh hưởng quá lớn bởi quyền lợi mà người cán bộ quên mất lòng tự trọng khi đó cần phải có “chế tài” pháp luật. Nếu chúng ta cần phải làm để góp phần thanh lọc những đối tượng trên thì việc tạo ra hành lang pháp lý đối với “văn hoá từ chức” vẫn có thể làm được.
“Nhưng quan trọng hơn cả, theo tôi, đó là quyết tâm và sự nỗ lực lớn hơn nữa của Chính phủ trong điều hành xử lý các vấn đề chiến lược tầm vĩ mô, cũng như những vấn đề, sự việc phát sinh trong xã hội. Kịp thời hành động, xử lý công bằng đúng pháp luật sẽ mang lại niềm tin trong nhân dân về một chính phủ kiến tạo”, luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu ý kiến./.
VOV-VN
Ý kiến ()