Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 15:48 (GMT +7)
Khủng hoảng COVID-19 ở Brazil, lời cảnh báo với toàn thế giới
Thứ 4, 10/03/2021 | 10:30:00 [GMT +7] A A
Brazil đang có số người chết vì COVID-19 hàng ngày cao nhất thế giới, với trên 1.000 ca trong mấy ngày gần đây. Biến thể mới lây lan mạnh hơn khiến nhiều người tái mắc COVID-19.
Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Brazil gia tăng chóng mặt. Ảnh: The New York Times
Theo tờ New York Times, diễn biến COVID-19 ở Brazil đang ở mức nghiêm trọng nhất thế giới. Sau một năm chìm trong đại dịch, Brazil vẫn đang lập tiếp kỷ lục đau lòng khi các nước khác đã dần kiểm soát tình hình.
Biến thể mới đã hoành hành thành phố Manaus và lan ra các thành phố khác. Trong ngày 8/3, Brazil có 1.114 ca tử vong. Trước đó, ngày 2/3, Brazil ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục với trên 1.700 ca.
Hiệp hội Bộ trưởng Y tế Quốc gia nói trong một tuyên bố: “Dịch bệnh gia tăng ở nhiều bang đang khiến hệ thống bệnh viện công và tư sụp đổ, có thể khiến mọi khu vực ở Brazil cũng chịu cảnh tương tự. Đáng buồn là quá trình triển khai tiêm vaccine chậm chạp cho thấy kịch bản này sẽ không sớm chấm dứt”.
Trong khi đó, các thông tin về biến thể mới là thông tin tồi tệ với Brazil và cả thế giới. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể SARS-CoV-2 đang càn quét thành phố Manaus không chỉ lan nhanh hơn mà còn có thể khiến một số người đã nhiễm các biến thể khác lại nhiễm biến thể này. Biến thể đã lan ra ngoài Brazil, xuất hiện ở hơn 20 quốc gia.
Manaus là thành phố bị dịch bệnh hoành hành nặng nề. Ảnh: The New York Times
Mặc dù thử nghiệm một số loại vaccine cho thấy chúng có thể ngăn các ca bệnh nặng, nhưng phần lớn người dân thế giới chưa tiêm vaccine COVID-19. Điều này có nghĩa là ngay cả người đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ.
Người dân Brazil hy vọng đã trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất vào năm 2020. Manaus, thủ phủ bang Amazonas ở miền bắc có nhiều ca mắc COVID-19 hồi tháng 4 và 5/2020 tới mức các nhà khoa học cho rằng thành phố này có thể đã đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, số ca mắc ở bang này tiếp tục tăng, khiến các quan chức y tế bối rối. Khi Thống đốc bang Wilson Lima áp đặt lệnh cách ly mới trước thềm Giáng sinh 2020, giới doanh nghiệp và chính trị gia phản đối kịch liệt.
Tới tháng 1/2021, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng biến thể mới có tên P.1 đã phổ biến ở bang này. Trong vòng vài tuần, mối nguy hiểm của P.1 đã trở nên rõ ràng khi các bệnh viện thành phố Manaus hết oxy do quá nhiều bệnh nhân, dẫn tới tình trạng bệnh nhân ngạt thở tới chết.
Y tá Maria Glaudimar ở Manaus cho biết cô thấy mình như sống trong ác mộng đầu năm nay mà không có lối thoát. Ở bệnh viện, bệnh nhân và họ hàng cầu xin oxy và mọi giường bệnh chăm sóc tích cực đều chật kín. Glaudimar cho biết không ai biết trước điều này và mọi thứ như phim kinh dị.
Nguồn cung oxy trong bệnh viện cạn kiệt. Ảnh: The New York Times
Từ đó, khủng hoảng COVID-19 đã giảm bớt ở Amazonas nhưng lại tệ hơn ở phần lớn Brazil. Các nhà khoa học vội vã tìm hiểu thêm về biến thể P.1 và theo dõi quá trình nó lây lan khắp Brazil. Tuy nhiên, nguồn lực xét nghiệm hạn chế đã khiến họ hụt hơi.
Biến thể này lan nhanh chóng. Cuối tháng 1, nghiên cứu của chính phủ cho thấy nó có mặt trong 91% các mẫu được lập chuỗi gien ở bang Amazonas. Cuối tháng 2, giới chức y tế cho biết 21/26 bang đã có biến thể P.1.
Trong suốt đại dịch, các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng tái mắc COVID-19 là cực kỳ hiếm, giúp người đã khỏi bệnh có miễn dịch ít nhất trong một thời gian. Tuy nhiên, P.1 lại khiến bác sĩ và y tá thấy kỳ lại. Nhiều nhân viên y tế ở thành phố Santarem, bang Para giáp Amazonas đã khỏi bệnh vài tháng trước lại có xét nghiệm dương tính.
Có một cách để giảm số ca mắc COVID-19 là tiêm chủng thì Brazil lại tiến hành rất chậm chạm. Nhiều nước cũng như vậy.
Brazil bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế, người già từ cuối tháng 1. Tuy nhiên, Brazil không thể mua đủ vaccine khi các nước giàu đã chiếm gần hết nguồn cung.
Mới trên 5,8 triệu người Brazil (tức 2,6% dân số) được tiêm liều vaccine đầu tiên tính tới 2/3. Mới 1,5 triệu người được tiêm 2 liều.
Chương trình tiêm chủng tại Brazil lại chậm chạp. Ảnh: New York Times
Bà Margareth Dalcolmo, chuyên gia hô hấp tại trung tâm nghiên cứu khoa học Fiocruz cho rằng thất bại trong chiến dịch tiêm chủng của Brazil đã dẫn tới khủng hoảng hiện tại. Bà nói: “Chúng ta cần tiêm cho hơn 1 triệu người/ngày”.
Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello gọi biến thể P.1 là giai đoạn mới của đại dịch và chính phủ đang tăng cường nỗ lực, hy vọng tiêm cho nửa dân số vào tháng 6 và toàn bộ dân vào cuối năm.
Ông Ester Sabino, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sao Paulo, cảnh báo các quốc gia khác cần chú ý: “Bạn có thể tiêm cho toàn bộ dân và kiểm soát vấn đề chỉ trong thời gian ngắn, cho tới khi có biến thể mới xuất hiện ở đâu đó trên thế giới. Một ngày nào đó biến thể này sẽ xuất hiện ở nước bạn”.
Brazil ghi nhận trên 11 triệu ca mắc và 265.500 ca tử vong tính tới 8/3.
Mối nguy hiểm của các biến thể mới khiến các nhà khoa học toàn thế giới lo lắng. Bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, kêu gọi người dân Mỹ không mất cảnh giác: “Với số ca mắc các biến thể lây lan, chúng ta có nguy cơ hoàn toàn mất những thành quả mà chúng ta đã đạt được”.
https://baotintuc.vn/the-gioi/khung-hoang-covid19-o-brazil-loi-canh-bao-voi-toan-the-gioi-20210309163129750.htm
Ý kiến ()