Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 05:34 (GMT +7)
Lao động nữ vẫn bị phân biệt đối xử và nỗi lo mất việc ở tuổi 30
Thứ 4, 08/03/2017 | 09:54:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Tình trạng phụ nữ bị sa thải ở tuổi 30, sau khi các doanh nghiệp đã tận dụng được sức khỏe ở tuổi đôi mươi của các chị, đang đặt ra rất bức xúc.
Thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho thấy, trong quan hệ lao động vẫn còn nhiều quy định mang tính phân biệt, đối xử với phụ nữ. Cụ thể như tuổi nghỉ hưu của nữ được quy định sớm hơn nam giới 5 năm; nhiều danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ; không công bằng giữa các nhóm lao động nữ trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH… Do đó, phụ nữ gặp rất nhiều rào cản trong tiếp cận cơ hội việc làm.
Phụ nữ “yếu thế” như thế nào trong thị trường lao động?
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ thừa nhận, rào cản đầu tiên đối với nữ chính là chị em không có lợi thế ở một số ngành nghề đào tạo so với nam giới, như khối kỹ thuật, công nghệ… Một số ngành nghề có mức lương, thu nhập cao lại hạn chế lao động nữ, do tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực này ít.
Bên cạnh đó, những công việc đòi hỏi thường xuyên phải đi công tác, di chuyển ở những địa bàn xa, thậm chí hay “tiệc tùng” cũng làm cho cơ hội tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ hạn chế hơn nam giới. Trong tuyển dụng, nhiều đơn vị thường ưu tiên lao động nam giới, nên cũng khiến phụ nữ e ngại khi ứng tuyển.
Ngoài ra, phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng trong công việc chăm sóc không được trả công và công việc nội trợ. Nguyên nhân của thực trạng trên là do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ.
Bên cạnh đó, những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực… đến từ sự thay đổi của thế giới việc làm, trong khi chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của lao động nữ.
Nỗi lo mất việc ở tuổi 30
Đánh giá của Bộ LĐTB&XH cho thấy, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao.
Lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao, như dịch vụ, dệt may, da giày (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này). Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, cụ thể: 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1,117 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp.
Điều đáng quan tâm hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đó là tình trạng phụ nữ bị mất việc làm ở tuổi 30. Sau khi các doanh nghiệp đã tận dụng được sức khỏe ở tuổi đôi mươi của các chị, họ sẵn sàng sa thải lao động nữ.
Hệ quả là chị em lại trở về quê với vạch xuất phát ban đầu là làm nông nghiệp. Nếu như lao động nữ tìm được việc làm sau đó, thì hầu hết ở lĩnh vực phi chính thức, không có bảo hiểm.
Do chưa có cơ chế buộc doanh nghiệp phải sử dụng lao động lâu dài, để chị em được hưởng phúc lợi về sau này, cho nên đây là vấn đề đang được đặt ra rất bức xúc.
Theo ông Đào Ngọc Dung, trong dự kiến sửa Luật Lao động tới đây, Bộ LĐTB&XH sẽ đưa ra cơ chế, chế tài để xử lý vấn đề này.
Phụ nữ cần dấn thân, bước qua rào cản
Bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh, do định kiến và quan niệm nên nhiều công việc không dành cho phụ nữ. Nhận thức này phải đổi bởi trên thực tế, có những lĩnh vực phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương rất tốt, thậm chí có thể cạnh tranh sòng phẳng với nam giới.
“Vấn đề là bản thân chị em vẫn e ngại là nữ, sợ yếu thế hơn nam, không thể làm được nên không tham gia ứng tuyển hoặc theo đuổi. Theo tôi, các bạn nữ hãy mạnh dạn lên. Với hành trình tìm việc bằng kiến thức trong nhà trước, các bạn cần trau dồi thêm các kỹ năng và bản lĩnh hơn trong quá trình tìm việc là làm việc, chắc chắc sẽ thành công. Chúng ta đã có nữ cơ trưởng lái máy bay rồi cơ mà” – bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ.
Bà Bích Vân cho biết thêm: “Khi chúng tôi tiếp xúc với doanh nghiệp, cũng không hẳn họ e ngại tiếp nhận lao động nữ. Nhiều đơn vị thích tuyển lao động nữ bởi các chị cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Việc doanh nghiệp e ngại lao động nữ có thể do đặc thù của công việc, chứ không phải do nhận thức.
Do đó, chị em phải học tập kỹ năng hòa mình để trụ được tại doanh nghiệp, khẳng định phụ nữ có thể làm được, làm tốt. Từ đó giúp thay đổi định kiến của xã hội và doanh nghiệp sẽ ưa chuộng lao động nữ hơn”.
“Tất nhiên, phụ nữ cần gạt bỏ rào cản của mình, cần dấn thân vào các cơ hội việc làm, từ đó xã hội sẽ ghi nhận và đương nhiên khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ sẽ dần được cải thiện. Đó cũng là một hành trình mà tất cả mọi người phải tham gia. Trong đó người chủ động tham gia là nữ, chứ không phải ai khác” – bà Nguyễn Thị Bích Vân khẳng định./.
Lại Thìn/VOV.VN
Ý kiến ()