Thứ Năm, 28/11/2024 05:32 (GMT +7)

Liên hợp quốc nêu các biện pháp đồng bộ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19

Thứ 3, 13/04/2021 | 14:56:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 13/04/2021 lúc 14:56

Ngày 12/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi triển khai 6 biện pháp nhằm giúp các quốc gia phục hồi sau đại dịch COVID-19 và duy trì nỗ lực hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu khai mạc Diễn đàn của Hội đồng Kinh tế và xã hội năm 2021 về tài trợ cho phát triển, TTK Guterres nhận định thế giới đã chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 90 năm khi hơn 3 triệu người đã tử vong, khoảng 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực, trong khi khoảng 255 triệu việc làm toàn thời gian đã “biến mất”. Ông cảnh báo cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc khi tốc độ lây nhiễm hiện nay thậm chí đang tăng lên. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây một năm, thế giới vẫn chưa có cách thức ứng phó đa phương nào như mong đợi.

Do đó, ông nhấn mạnh việc tài trợ cho sự phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19 đòi hỏi một nỗ lực chưa từng có để huy động các nguồn lực và ý chí chính trị. TTK LHQ nêu rõ: “Chúng ta cần lưu ý đến các bài học ngay bây giờ nếu muốn đảo ngược những xu hướng nguy hiểm này, ngăn chặn làn sóng lây nhiễm liên tiếp, tránh để suy thoái toàn cầu kéo dài và trở lại đúng hướng để hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

Cũng trong phát biểu của mình, TTK Guterres kêu gọi triển khai 6 biện pháp để giải quyết thách thức hiện nay. Trước tiên là phải đảm bảo các vaccine phải được cung cấp cho tất cả các quốc gia có nhu cầu. Theo ông, “để kết thúc đại dịch một cách tốt đẹp, chúng ta cần đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine cho tất cả mọi người, ở mọi nơi”.

Thứ hai, cần phải đảo ngược sự sụt giảm các nguồn hỗ trợ tài chính, kể cả ở các nước có thu nhập trung bình. Ông nhấn mạnh hỗ trợ phát triển là yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết và các nhà tài trợ, cũng như các tổ chức quốc tế cần đẩy mạnh các khoản hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, cần phải đảm bảo dòng tiền đến đúng nơi cần đến. Các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng lên 5.000 tỷ USD trong năm qua. Ông kêu gọi các chính phủ xem xét đánh thuế đoàn kết cộng đồng hoặc thuế tài sản đối với những người đã trục lợi trong đại dịch, nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng hiện nay.

Thứ tư, cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng cách giãn và giảm nợ cho các quốc gia có nhu cầu. Ông kêu gọi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kéo dài thực hiện Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) đến năm 2022. Theo ông, cả DSSI và Khuôn khổ chung về Xử lý nợ của G20 nên được mở rộng để bao gồm tất cả các quốc gia có nhu cầu, chẳng hạn như các quốc gia có thu nhập trung bình. TTK Guterres cũng kêu gọi triển khai các biện pháp táo bạo hơn ngoài việc xóa nợ nhằm “chấm dứt những chu kỳ chết chóc của làn sóng nợ, khủng hoảng nợ toàn cầu và những thập kỷ mất mát”. Ông nêu rõ: “Điều này bắt đầu bằng một cuộc đối thoại cởi mở, có thời hạn cụ thể với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để xây dựng lòng tin và sự minh bạch. Chúng tôi cần một cách tiếp cận toàn diện bao gồm các chủ nợ tư nhân và giải quyết những điểm yếu và lỗ hổng lâu nay”.

Thứ năm, cần có sự đầu tư vào con người. Ông nhấn mạnh cần xây dựng một “khế ước xã hội” mới dựa trên sự đoàn kết và đầu tư vào giáo dục, việc làm tốt và xanh, hệ thống bảo trợ xã hội và y tế. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm.

Thứ sáu, cần tái khởi động các nền kinh tế theo cách bền vững và bình đẳng, phù hợp với các SDG và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ cho thấy chỉ 2,5% chi tiêu dành cho sự phục hồi mang tính tích cực và thân thiện với môi trường.

Theo người đứng đầu LHQ, tinh thần đoàn kết không chỉ cứu sống nhiều người mà còn ngăn chặn các cộng đồng và nền kinh tế rơi vào cảnh nợ nần và hỗn loạn. Ông nhấn mạnh việc thúc đẩy một sự phục hồi toàn cầu công bằng và đồng đều sau đại dịch đang là “phép thử” đối với chủ nghĩa đa phương. Đơn cử như nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới khi mới chỉ có 10 quốc gia trên thế giới chiếm khoảng 75% số người được tiêm chủng trên toàn cầu. Ông lưu ý thậm chí nhiều quốc gia vẫn chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế và hầu hết các công dân dễ bị tổn thương. Sự chênh lệch này đang đe dọa sức khỏe và cuộc sống của mọi người dân khi virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan khắp mọi nơi.

Ngoài vấn đề dịch bệnh, TTK Guterres cũng cảnh báo trong khi dịch COVID-19 là thách thức trước mắt, thì biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa tương lai nhân loại và hành tinh. Đối với nhiều quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất, tác động của biến đổi khí hậu đã đang là một thực tế nghiêm trọng. Ông kêu gọi cần khẩn trương thực hiện các chính sách, cũng như đặt ra các mục tiêu và thời hạn để cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Ngoài ra, tất cả các nước phát triển nên tăng đầu tư vào các biện pháp nâng cao năng lực thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu. Ông nêu rõ: “Để giải quyết những thách thức trong tương lai, bao gồm cả những thách thức mà COVID-19 gây ra, chúng ta cần một sự nỗ lực và động lực to lớn ở cấp chính trị cao nhất”.

Phương Oanh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-neu-cac-bien-phap-dong-bo-ho-tro-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid19-20210413140111902.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu