Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 21:25 (GMT +7)
Liên kết hoạt động văn học nghệ thuật Đông Nam bộ
Thứ 6, 13/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) khu vực Đông Nam bộ” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng Tỉnh ủy Đồng Nai vừa được tổ chức tại TP Biên Hòa,đã phác thảo tương đối toàn diện bức tranh VHNT và đưa ra một số giải pháp…
Cuộc tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của hai Phó ban Tuyên giáo Trung ương là ông Vũ Ngọc Hoàng và ông Nguyễn Thế Kỷ, nhà thơ Hữu Thỉnh, ông Nguyễn Phú Cường – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, Hội VHNT các tỉnh trong khu vực: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng và TPHCM.
Tại tọa đàm, đáng chú ý là tham luận” “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển VHNT trong thời kỳ mới” do Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh trình bày. Theo đó, TPHCM hiện có 9 Hội VHNT chuyên ngành, với hơn 5.300 hội viên trực thuộc Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM. Nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố đã quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động chuyên môn như: hỗ trợ kinh phí sáng tác, nhất là tài năng trẻ; đầu tư xây dựng trụ sở mới; thành lập giải thưởng tôn vinh các tác phẩm có giá trị; tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, quảng bá tác phẩm có giá trị đến công chúng… Tuy vậy, trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề tồn tại như: còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; nảy sinh một số khuynh hướng sáng tác lệch lạc, khai thác mặt tiêu cực của đời sống xã hội, có xu hướng thương mại hóa hoặc mang nặng tính giải trí; hoạt động lý luận phê bình chưa đồng hành với sáng tác và chưa làm tốt chức năng điều chỉnh, định hướng… Ông Lê Văn Minh cũng đưa ra 5 giải pháp nhằm nâng cao hoạt động VHNT của TPHCM, trong đó có giải pháp: “Tích cực phát huy vai trò, chức năng của Liên hiệp và 9 Hội chuyên ngành trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, thẩm định, phản biện”.
Về hoạt động VHNT của các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, các ý kiến ghi nhận còn một số tốn tại như: Thành tựu văn hóa không tương xứng với thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,…Bộ máy tổ chức của các Hội VHNT chưa đổi mới, thiếu tính chủ động, phụ thuộc nhiều vào kinh phí “bao cấp” của nhà nước, chưa thích ứng kịp thời với nền kinh tế thị trường. Đội ngũ sáng tác chủ yếu là nghiệp dư, mang tính phong trào.Ở lĩnh vực văn học, có tỉnh như Bình Phước chưa có cây bút nào được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, trong khi Bình Dương chỉ duy nhất một hội viên. Ở một số địa phương lãnh đạo chưa thực sự chú trọng công tác phát triển văn hóa, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho VHNT còn hạn hẹp…
Ngoài ra, hoạt động giữa các Hội VHNT của Đông Nam Bộ lại thiếu tính liên kết, không tạo nên mối giao lưu, sinh khí chung để khuyến khích sáng tác. Nhạc sĩ Võ Đông Điền – Chủ tịch Hội VHNT Bình Dương đề xuất, lãnh đạo các Hội VHNT cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất về kinh phí, quy chế tổ chức luân phiên các cuộc thi chung trên các lĩnh vực; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và lý luận phê bình, phối hợp với các đài truyền hình địa phương để quảng bá tác phẩm có giá trị.
TPHCM cũng cần chủ động liên kết hoạt động VHNT với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.Theo ý kiến của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: “Người hoạt động VHNT nói chung, lĩnh vực văn học nói riêng chỉ biết và viết về địa phương mình, tỉnh mình, sáng tác tuy mang hơi thở cuộc sống nhưng vẫn là cái hơi thở của một bộ phận nhỏ lẻ cư dân đô thị hay nông thôn, rất yếu và rất thiếu hơi thở của khu vực, của vùng miền, của thời đại. Người sáng tác đến từ rất nhiều vùng miền khác nhau của cả nước, do không tiếp cận được bản sắc của địa phương, của khu vực nên trong sáng tác vẫn nhạt nhòa, vẫn mông mênh, vẫn rất chung chung, ở đâu cũng vậy”.
HÙNG PHAN- SGGPO
Ý kiến ()