Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ là lực lượng lao động có mặt trên tất cả lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm và tiêu dùng. Chị em còn là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua các bữa ăn hàng ngày.
Chính vì vậy, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Nếu được cung cấp thông tin, kiến thức khoa học đầy đủ, phụ nữ sẽ phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng các sản phẩm an toàn. Và phụ nữ cũng là những người tiên phong, tạo được bước chuyển biến vô cùng to lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm ngày nay.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: an toàn thực phẩm đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm vì nó liên quan đến sức khoẻ, nguồn nhân lực, giống nòi của dân tộc. Mất an toàn thực phẩm đe doạ tính mạng sức khoẻ của phụ nữ và người dân.
Trước cơn bão thực phẩm, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ đã tổ chức vận động phụ nữ với phong trào về sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức phụ nữ nâng cao vai trò của mình với an toàn thực phẩm. Phụ nữ cam kết 3 không: không sản xuất rau kém an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh sách phụ gia thực phẩm, không giết mổ thực phẩm kém an toàn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Gia đình và Xã hội – Hội LHPNVN cho biết an toàn thực phẩm không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó phải đi vào trong tâm thức của mỗi người dân.
Bà Mai cho rằng sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn thể hiện chất lượng cuộc sống, văn minh và phát triển.
“Thực phẩm bẩn chiếm tới 40% nguyên nhân gây ung thư. Mỗi ngày nước ta có 205 người tử vong liên quan đến ung thư và nó có liên quan đến thực phẩm bẩn. Chính vì thế việc vận động chị em nói không với thực phẩm bẩn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, bà Mai nêu rõ.
Theo Bà Mai công tác phun thuốc trừ sâu rất độc hại, tuy nhiên ở nông thôn nhiều chị em phụ nữ thậm chí đang nuôi con nhỏ cũng phải đi phun thuốc trừ sâu, không có bảo hộ. Những kiến thức về ATTP đến với chị em chưa nhiều. Dù Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho chị em phụ nữ nhưng chưa nhiều. Có những nơi đàn ông đi tập huấn nhưng về gia đình lại do phụ nữ lo.
Ngoài ra, bà Mai cũng cho biết thêm có nhiều phụ nữ còn chấp nhận mua thực phẩm giá rẻ. Giá rẻ liên quan đến chất lượng của thực phẩm và họ đành chấp nhận điều đó./.
Ý kiến ()