Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 18:35 (GMT +7)
Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bến Lức: 20 năm đồng hành cùng người nghèo
Thứ 6, 22/07/2022 | 14:12:08 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị định số 78/2002 ngày 04/10/2002 của Chính phủ, 20 năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách đã được huyện Bến Lức triển khai rộng rãi. Nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Từng là hộ khó khăn, năm 2017 chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Ấp 3B xã Phước Lợi được tiếp cận vay 20 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để đầu tư mua máy may công nghiệp, gia công các mặt hàng găng tay, túi xách tại nhà. Nhờ chăm chỉ lao động và có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, năm 2019 chị Vân tiếp tục được ngân hàng chính sách giải quyết cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư mua thêm máy móc mở rộng sản xuất. Đến nay cơ sở của chị Vân đang quản lý trên 20 máy may và tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn vốn chính sách đầu tư làm kinh tế hiệu quả, hiện tại gia đình chị Vân có thu nhập ổn định, bình quân 15-20 triệu đồng/tháng, vươn lên khá giàu tại địa phương.
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Mực (sinh năm 1967), Ấp 3A xã Phước Lợi cũng từng là hộ nghèo, nhờ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách cùng với sự nỗ lực lao động đến nay gia đình bà đã trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương, xây sửa nhà cửa, con cái được học hành đầy đủ. Bà Mực cho biết, năm 2012, bà được ngân hành chính sách cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, số vốn này gia đình bà đầu tư làm chuồng và nuôi vịt đẻ, đến năm 2014 gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Để có nguồn vốn mở rộng chăn nuôi, bà Mực tiếp tục đề nghị vay ngân hàng chính sách thêm 2 lần nữa với tổng số tiền 100 triệu đồng. Hiện với diện tích rộng hơn 1.000m2, bà Mực thả nuôi 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày gia đình thu về từ 800-900 trứng, số trứng này được vận chuyển đến nhập tại các cơ sở thu mua trứng trong huyện với giá bán từ 2.100 – 2.500 đồng/trứng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, bà Mực còn lãi từ 600.000-650.000/ngày. Ngoài ra, không dừng lại ở mô hình nuôi vịt đẻ, bà Mực đầu tư mua 02 máy may và nhận gia công áo mưa tại nhà. Mỗi ngày bà may được 100-150 sản phẩm, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bến Lức, từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã4 hội huyện có 14 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số thực hiện cho vay trong 20 năm qua theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ là trên 325,3 tỷ đồng, tăng gấp 169,5 lần so với dư nợ khi mới thành lập với 9.140 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho 8.985 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 4.109 lao động (trong đó có 23 lao động đi làm việc ở nước ngoài), giúp cho 8.256 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 40.548 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng 306 căn nhà cho hộ nghèo, 217 căn nhà cho các hộ dân ở cụm, tuyến dân cư vượt lũ, 15 căn nhà ở xã hội, giúp cho 05 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 3.213 lao động do ảnh hưởng dịch Covid 19, 07 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục phục hồi, duy trì hoạt động.
Thực tế cho thấy, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, hỗ trợ tạo việc làm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()