Mùa mưa lũ đang đến gần và đây chính là thời điểm người dân ở các huyện miền núi phía Đông tỉnh Quảng Ninh sống trong cảnh lo lắng vì phải đi trên những chiếc cầu treo đã xuống cấp. Để chuẩn bị trước khi con lũ về, công tác đảm bảo an toàn các cầu treo đang được các địa phương gấp rút triển khai.
Với số lượng 7 chiếc cầu treo Ba Chẽ là huyện sở hữu số cầu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, có 2 chiếc cầu treo thép và 5 chiếc cầu treo gỗ. Trong đó, 2 chiếc cầu thép Lỏong Tỏong (xã Thanh Sơn) và cầu treo Đồng Khoang ( xã Đạp Thanh) được xây mới trong Dự án “Nhịp cầu yêu thương” của Bộ Giao thông vận tải. Đi qua chiếc cầu thép mới, chắc chắn, hiện đại vắt qua dòng sông chảy siết, người dân sống nơi đây không giấu được sự vui mừng trên khuôn mặt.
Anh Chìu Tác Viền chia sẻ: “Tôi cảm thấy đi lại rất thuận tiện, vui mừng phấn khởi cho 2 thôn đi lại. Hơn 300 người ở thôn Lỏong Tỏong và thôn Thác Lào. Bà con thường làm công bên kia sông nhưng lại không có cầu lại không đi được, ngày nào cũng phải qua. có cầu treo thì sang được”.
Trước khi có cầu treo bằng sắt, người dân phải đi bằng mảng, tức là dùng những cây rừng ghép lại để qua sông. Khi dùng mảng qua sông đã có nhiều trẻ em bị ngã xuống sông, bởi mảng thô sơ, không an toàn, nhiều khi nước to thì không sang bên kia sông được, từ khi có cầu đi làm ăn cũng khá nên mua được xe máy để tiện đi lại hơn.
Những chiếc cầu treo ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong giao thông miền núi. Không chỉ nối liền những thôn bản bị chia cắt bởi dòng nước mà còn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Giờ đây, hai bên cầu đã có nhiều nhà mới xây, nhiều nhà cao tầng, ai nấy đều phấn khởi.
Ngoài hai chiếc cầu mới, trên địa bàn huyện Ba Chẽ còn 5 chiếc cầu treo có kết cấu nền gỗ đang được địa phương sử dụng từ những năm 2006 tới nay. Qua khảo sát chỉ còn 4 chiếc cầu treo nền gỗ có thể sử dụng được, đó là các cầu Khe Pụt, Làng Lốc – Làng Dạ, Khe Da, Bàng Quang, còn cầu Lang Cang không còn sử dụng từ sau trận bão lịch sử năm 2008.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Ba Chẽ cho biết, hàng năm huyện rất chú trọng công tác duy tu, sửa chữa các cầu gỗ, đặc biệt trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Ông Dũng nói: “Hàng năm, do điều kiện huyện khó khăn cũng ưu tiên dành một phần ngân sách của huyện để đầu tư về quản lý, bảo trì và khắc phục sửa chữa từ 150 triệu đến 300 triệu. Hiện nay, trong 7 cầu thì có 2 cầu mới không phải duy tu, bảo trì. 4 cầu còn lại thì vừa qua huyện đã đầu tư hơn 300 triệu đã sửa chữa cho tất cả mấy cầu rồi hiện nay một số cầu đưa vào đã hoàn thành. Một số cầu đang sửa chữa tiếp trước mùa mưa lũ thì đảo bảo kịp sửa chữa để đảm bảo bà con đi lại”.
Cùng với huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên cũng có 2 chiếc cầu mới từ chương trình “Nhịp cầu yêu thương” của Bộ GT- VT, đó là cầu Đồng Đình (xã Phong Dụ), cầu Co Mười – Khe Liếng (xã Hà Lâu).
Ông Nguyễn Văn Cần – chủ tịch xã Hà Lâu nhận định: “Cầu mới tốt hơn bởi vì họ thiết kế theo quy chuẩn, hệ thống giằng thép rất là chắc, không rỉ. Ngoài ra, các kết cấu của nó lắp chắc có giằng méo rất là chạt chẽ, xã đánh giá chất lượng cầu rất cao”.
Bên cạnh những chiếc cầu mới, Tiên Yên cũng còn 3 chiếc cầu gỗ và hàng trăm hộ dân đang phụ thuộc vào những chiếc cầu này. Nói về công tác duy tu bảo dưỡng cầu gỗ, ông Hà Quang Hòa – Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tiên Yên cho biết, hằng năm giao cho các xã sửa chữa, trùng tu như bôi dầu, bôi mỡ, thay 1 số thanh dầm bị hỏng hoặc là một số ván mặt sàn của cầu nó bị mục phải thay. Còn sửa chữa lớn mấy năm mới sửa chữa 1 lần với kinh phí sửa chữa khoảng tầm 500 – 600 triệu đồng.
Vấn đề đang được đặt ra ở đây, đó là những chiếc cầu gỗ, khi đi qua mỗi mùa mưa lũ, chính quyền và người dân địa phương phải dành không ít thời gian để sửa chữa lại cầu. Hơn nữa, việc sửa chữa các cầu gỗ cũng rất tốn kém.
Ông Hòa mong muốn, trong thời gian tới, chương trình Nhịp cầu yêu thương của Bộ Giao thông vận tải sẽ dần thay thế những chiếc cầu gỗ bằng những chiếc cầu thép kiên cố, vững chắc.
Ông Hòa nói: “Mong muốn của địa phương là tất cả các cầu gỗ nên thay bằng cầu sắt bởi độ bền cầu sắt tốt hơn và đỡ lắc hơn cái cầu gỗ. Cầu gỗ sửa chữa chỉ tạm thời, phải thường xuyên bảo dưỡng tu sửa liên tục. Nếu không bảo dưỡng tu sửa hàng năm xuống cấp rất nhanh”.
Những chiếc cầu treo đang thực hiện sứ mệnh là kết nối, rút ngắn khoảng cách những nơi vùng sâu vùng xa gần lại với nhau. Để sứ mệnh này được hoàn thành tốt thì việc cải tạo, nâng cấp những chiếc cầu xuống cấp là rất quan trọng, nhất là vào lúc mùa mưa lũ đã cận kề./.
Ý kiến ()