Chủ Nhật, 24/11/2024 19:58 (GMT +7)

Người không có BHYT sẽ bị tác động như thế nào khi giá viện phí tăng?

Thứ 7, 03/06/2017 | 11:23:00 [GMT +7] A  A

Việc tăng giá viện phí từ ngày hôm nay (1/6) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người không có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là đối với những người bệnh hiểm nghèo.

Bắt đầu từ ngày hôm nay (1/6), hơn 1.900 dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập tăng giá đối với người không có bảo hiểm y tế (BHYT). Để hạn chế tác động của việc tăng giá viện phí, việc điều chỉnh giá này sẽ được thực hiện theo lộ trình chứ không đồng loạt tăng giá. Dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ tăng giá viện phí vào tháng tháng 10/2017.

Theo lộ trình, từ ngày 1/6, có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành được điều chỉnh tăng. Đến tháng 8/2017, sẽ có khoảng 30 tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng viện phí, tiếp đó sẽ 15 tỉnh sẽ thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017.

Do giá viện phí mới được kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành như chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị… nên nhiều dịch vụ y tế đối với người không có BHYT có mức tăng 2-3 lần giá cũ.

Mức tăng giá viện phí lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người không có thẻ BHYT.

Cụ thể, giá viện phí được điều chỉnh như mức giá khám bệnh được quy định từ 29.000 đồng đến 39.000 đồng theo từng hạng bệnh viện từ trạm y tế xã đến bệnh viện hạng đặc biệt (quy định hiện hành chỉ từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng); mức giá ngày giường bệnh theo quy định mới cũng được nâng lên từ 54.000 đồng đến 362.800 đồng (quy định hiện hành chỉ từ 12.000 đồng đến 80.000 đồng)… Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành, trong đó có những dịch vụ có chi phí rất cao. Chẳng hạn, chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng, chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng…

Việc tăng giá viện phí lần này, số người không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi chẳng may bị những căn bệnh hiểm nghèo. ThS BS.Trần Hòa, bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết chỉ tính riêng bệnh nhồi máu cơ tim, mỗi năm có khoảng 500 trường hợp cấp cứu tại bệnh viện. Trong đó, có rất nhiều trường hợp người bệnh hiểm nghèo cần có kinh phí mới có thể điều trị được. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Có nhiều người phải cầm cố, bán nhà thậm chí vay mượn mới có đủ chi phí điều trị trong những lúc thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, BHYT hiện nay có thể chi trả khá tốt cho các loại bệnh lý này, trung bình khoảng 50 – 80% tổng chi phí điều trị.

“Chính vì vậy, để chủ động trong mọi tình huống, người dân cần sở hữu cho mình thẻ BHYT hoặc các loại bảo hiểm liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng để dự phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai”, bác sĩ Trần Hòa nhấn mạnh.

Trước thông tin về việc tăng giá viện phí từ ngày 1/6, nhiều người chưa có thẻ BHYT đã chủ động mua BHYT. Ngồi chờ mua thẻ BHYT tại phường Phước Long A (quận 9), chị Nguyễn Thị Diệu chia sẻ: “Nghe nói sắp tới tăng giá khám và điều trị bệnh đối với người chưa có thẻ BHYT nên tôi tranh thủ ra mua BHYT cho hai vợ chồng. Bệnh tật không biết đến lúc nào, nên mua BHYT để phòng khi ốm đau”.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng trên 6 triệu người tham gia BHYT, trong đó số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng nhanh. Theo báo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh số lượng khám chữa bệnh trong quí 1/2017 của toàn thành phố tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó có một bộ phận không nhỏ người dân từ các tỉnh đến khám và điều trị tại bệnh viện thành phố.

Đan Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu