Chủ Nhật, 24/11/2024 08:00 (GMT +7)

Nhân viên y tế phải cúi chào người bệnh: Dân đâu có cần?

Thứ 5, 05/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN -Điều người dân cần không phải là những cái cúi chào mà họ chỉ mong y bác sĩ làm đúng, làm đủ, làm tròn chức trách, nhiệm vụ…

Bộ trưởng Y tế mới đây nói rằng, “đã đến lúc nhân viên y tế phải cúi chào người bệnh”. Câu nói này của người đứng đầu ngành y tế đưa ra trong bối cảnh có quá nhiều vụ lùm xùm liên quan đạo đức ngành y. Câu nói của Bộ trưởng khiến nhiều người bệnh cảm thấy mình sắp được coi trọng khi đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, các bệnh viện lớn…

Hãy thử dạo qua một vài bệnh viện thì sẽ thấy, ở đó, người bệnh đang phải chịu đựng như thế nào? Đành rằng quá tải bệnh viện là do điều kiện kinh tế nước ta còn yếu, chưa đầu tư toàn diện được cho ngành y tế, nhưng không phải vì nghèo mà cách đối xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân lại chẳng giống ai. Chuyện nhân viên y tế quát tháo người bệnh và người nhà bệnh nhân không phải là chuyện hiếm. Bác sĩ nhận phong bì cũng không phải là lạ. Và còn nhiều chuyện dở khóc, dở cười xảy ra ở nơi mà người ta gửi gắm mạng sống của mình khiến dư luận bức xúc.

dan khong can nhan vien y te phai cui chao benh nhan hinh 1

Sinh thêm “lễ – nghĩa”, chào hỏi không đồng nghĩa với việc chất lượng khám chữa bệnh đã tăng. “Cúi chào người bệnh” chỉ là một phần rất nhỏ trong cả hành trình khám chữa bệnh của một bệnh nhân. Nhưng cúi chào để làm gì? Để rồi sau đó lại vẫn hách dịch, quát mắng, chữa bệnh qua quýt cho xong thì “cúi chào” cũng chẳng có giá trị gì.

Bây giờ người bệnh được tôn trọng và chào đón ở đâu? Ở những phòng khám tư nhân, ở những nơi khám chữa bệnh dịch vụ cao. Thế nhưng, ở đó chỉ có người giàu, người có tiền mới được vào điều trị, khám bệnh. Còn những người bị bệnh hiểm nghèo, kinh tế không có thì chỉ còn biết bấu víu vào hệ thống bệnh viện công mà thôi. Mà hệ thống bệnh viện công thì có quá nhiều vấn đề liên quan đến quản trị cần phải điều chỉnh, nâng cấp.

Là bệnh nhân, việc đầu tiên họ tìm đến bệnh viện là để được khám chữa bệnh. Họ tin rằng, đến bệnh viện là nơi văn minh vì ở đó toàn các y, bác sĩ được đào tạo bài bản; nhiều người còn được đào tạo ở những nước văn minh, tiên tiến… thì chắc chắn cách hành xử của họ sẽ rất có văn hóa. Nhưng kết quả họ nhận được là gì? Câu trả lời ai cũng đã biết.

Là nhân viên y tế không có nghĩa mọi bệnh tật đều tránh họ. Khi bị ốm đau họ sẽ thấu hiểu người bệnh cần gì. Vậy sao khi điều trị cho bệnh nhân họ lại cáu gắt, hạch sách? Có những hình ảnh, clip quay lại, khi xem xong không ai dám tin đó là cách hành xử của y bác sĩ, của nhân viên bệnh viện.

Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và nhiều lắm những câu khuyên con người ta cách ứng nhân xử thế. Bác sĩ hơn hẳn bệnh nhân về trình độ hiểu biết, va chạm xã hội. Thỉnh thoảng họ gặp phải một ông, bà bệnh nhân tính tình hơi khó chịu, hoặc hiểu biết có hạn thì cũng là lẽ thường. Khi ấy, chẳng ai bắt họ phải chào những người khốn khổ đó đâu mà chỉ cần chăm sóc họ theo đúng tinh thần của ngành y, theo đúng lời thề Hippocrates.

Tìm đến bệnh viện tức là người bệnh đã đặt cược mạng sống của mình vào tay bác sĩ rồi. Bác sĩ khi ấy có “quyền năng tối thượng” với bệnh nhân. Những người bệnh chỉ nhất nhất tuân theo lệnh bác sĩ. Hơn ai hết, bác sĩ là người hiểu rằng, tinh thần với mỗi bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng. Đi chữa bệnh mà như đi vào tù, như đeo gông trên cổ.. thì sao chữa bệnh hiệu quả được. Chính vì thế, nếu không vui vẻ, hòa nhã được với người bệnh thì người dân chỉ mong y bác sĩ làm đúng, làm đủ, làm tròn chức trách, nhiệm vụ, đúng với đạo đức nghề nghiệp là đã đủ lắm rồi./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu