Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:10 (GMT +7)
Nhập viện vì nắng nóng
Thứ 6, 03/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đợt nắng nóng đầu tiên đã khiến nhiều người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì mắc bệnh hô hấp, sốt phát ban…
Mấy ngày nay, Hà Nội chao đảo vì đợt nắng nóng đầu tiên, nhiều người lớn cảm thấy mệt mỏi, huyết áp tăng; không ít trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp, sốt phát ban… Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh truyền nhiễm cũng có xu hướng phát triển như: Tay chân miệng, đau mắt đỏ, đường hô hấp, thủy đậu…
Mùa hè nắng nóng, trẻ em dễ nhập viện do mắc các bệnh hô hấp, tay chân miệng… Ảnh: Đan Phương |
Nhiều dịch bệnh “vào mùa”
BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây luôn trong tình trạng chật kín bởi số lượng trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não thể nặng liên tục gia tăng. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, chia sẻ: “Hiện có 2 loại là viêm não Nhật Bản và viêm não, màng não do virút đường ruột; trong đó, phổ biến là viêm não do virút đường ruột. Trẻ bị bệnh này sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi… Bệnh có thể gây ra nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não, gây tổn thương thần kinh trung ương, thậm chí có thể tử vong. Triệu chứng của bệnh viêm não, viêm màng não ban đầu là sốt cao, nôn ói, nhức đầu nên nhiều phụ huynh và bác sĩ tuyến dưới dễ nhầm lẫn với triệu chứng sốt do virút”.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 7.658 ca sốt xuất huyết, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 2 ca tử vong. Còn đối với bệnh tay chân miệng, ghi nhận từ đầu năm đến nay thành phố có 1.853 ca giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua số ca tay chân miệng đang có xu hướng tăng, thành phố ghi nhận 148 ca, tăng 10% so với 4 tuần trước.
Đặc biệt, vào cuối tháng 5, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận một trường hợp trẻ tử vong vì bệnh viêm não do mô cầu. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là ca đầu tiên phát hiện bị bệnh viêm não mô cầu từ đầu năm 2016 đến nay và cũng là trường hợp tử vong đầu tiên do vi khuẩn Neisseria meningitidis tại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, tuy số lượng bệnh nhân chưa tăng đột biến nhưng các bác sĩ tại các BV đều cảnh báo: “Bệnh nhân thường tăng sau 1 – 2 tuần nắng nóng kéo dài, nhất là trẻ nhỏ và người già”.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, mấy ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám chữa bệnh tại BV tăng nhẹ nhưng chưa đột biến. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu do sốt virút, tiêu chảy, phát ban… Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài là nguy cơ dễ khiến trẻ mắc các bệnh như: Say nắng, ngộ độc thực phẩm hoặc mắc các bệnh lây nhiễm như tay chân miệng, viêm đường hô hấp…
“Những đợt nắng nóng dài các năm trước, phổ biến tình trạng bệnh nhân cao tuổi bị mất nước, rối loạn điện giải, say nóng, viêm phổi… ở người già, thường không có cảm giác khát nước, nếu không chú ý nhắc các cụ uống nước trong những ngày nắng nóng dễ dẫn đến tình trạng mất nước, gây rối loạn điện giải, tụt huyết áp, làm nặng những bệnh tiềm ẩn (huyết áp, rối loạn tim mạch…). Đây cũng là một trong những lý do tại sao người cao tuổi dễ tử vong trong giai đoạn nắng nóng”, BS Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương, khuyến cáo.
Hạn chế ra nắng và chú ý uống nước
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, để tránh tình trạng trẻ bị say nắng trong những ngày nắng nóng, nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, tránh để cho các cháu chạy nhảy, chơi ngoài nắng quá lâu. Đặc biệt, không cho các cháu tắm biển vào thời điểm từ 10 – 16 giờ. Riêng với nhóm bệnh lây nhiễm, với những bệnh đã có vắcxin thì cần phải tiêm phòng cho trẻ đầy đủ. Bên cạnh đó, cần chú trọng vệ sinh môi trường và thân thể cho bé.
Với người già, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, tốt nhất nên ở trong nhà, không đi ra đường, nhất là khi nhiệt độ nắng nóng ở mức đỉnh điểm (thường vào giữa trưa). Người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý việc uống nước hàng ngày, thậm chí có thể bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Không điều chỉnh điều hòa ở mức quá thấp vì dễ dẫn đến tình trạng viêm phổi. Với nhiệt độ ngoài trời 39 – 400C thì điều hòa chỉ nên để ở mức 27 – 280C; trước khi đi ra ngoài thì nên tắt điều hòa để cơ thể có thời gian thích nghi, tránh sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột giữa trong và ngoài phòng.
“Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, tiểu đường…) cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng theo chỉ định. Cần tái khám ngay nếu cơ thể có những diễn biến bất thường”, BS Trần Viết Lực nhấn mạnh.
Là khoa thường tiếp nhận những bệnh nhân nặng, BS Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Lão khoa Trung ương, chia sẻ: “Bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp có thể dự phòng tai biến mạch máu não bằng cách uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế, không ít lão bệnh nhân cho biết: “khi nào cao, nhức đầu thì mới uống thuốc”. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị mỡ máu cao, mắc bệnh tiểu đường… cũng cần kiểm soát, dự phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, bởi đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến mạch máu não ở người cao tuổi”.
Phòng bệnh mùa nắng nóng, cần chú ý không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp để phòng bệnh đường hô hấp. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng… (Nguồn: Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế).
Ý kiến ()