Thứ Tư, 27/11/2024 10:29 (GMT +7)

Nhiều người muốn nghỉ hưu sớm, vì sao?

Thứ 3, 03/10/2017 | 15:11:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Nghỉ hưu sớm để sẵn sàng cho một công việc khác có thể áp lực hơn, cường độ cao hơn, nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận. Đó là thực tế cần xem xét.

Trái ngược với trào lưu “giữ ghế”, tham quyền cố vị của một số người trong bộ máy nhà nước thì lại có không ít người vẫn còn sức khỏe, có trình độ chuyên môn tốt… lại muốn nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ hưu đúng tuổi chứ không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Sau khi đã làm đầy đủ thủ tục, được hưởng các chế độ BHXH thì họ lại tiếp tục nộp đơn để làm việc ở những tổ chức, cơ quan khác dù có cường độ lao động, áp lực lớn hơn rất nhiều.

nhieu nguoi muon nghi huu som vi sao hinh 1
Nhiều người muốn nghỉ hưu trước tuổi.

Thực tế hiện nay, có nhiều người xin nghỉ hưu sớm để “chạy” chính sách, “né” qui định từ ngày 1/1/2018, thời gian đóng BHXH sẽ tăng thêm 5 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa. Nhưng không ít người có trình độ học vấn, có cơ hội lương bổng tốt trong cơ quan Nhà nước vẫn tìm đường về hưu trước tuổi hoặc đúng tuổi, không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Vì sao lại như vậy? Nếu được hỏi, câu trả lời phổ biến là “chán Nhà nước”, “không thích bon chen”… Với họ, môi trường làm việc trong các cơ quan Nhà nước hiện nay thực sự chưa phát huy được thế mạnh của từng cá nhân, vẫn nặng tính bảo thủ, trì trệ, sợ trách nhiệm, nhòm trước, ngó sau mỗi khi được giao nhiệm vụ. Nếu cứ duy trì như thế cho đủ năm, đủ tháng để lấy sổ hưu thì rất lãng phí.

Lương thấp cộng với môi trường làm việc được đánh giá là chưa tốt, còn lắm bon chen, tị nạnh cá nhân đã khiến nhiều người có tài, có năng lực thực sự không muốn ở lại cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, nhiều đối tượng trì trệ, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong diện phải tinh giản biên chế lại tìm cách “bám chặt” vào cơ quan Nhà nước, thậm chí họ còn dùng các thủ đoạn để đẩy bằng được những người cấp tiến, dám xả thân vì công việc ra ngoài để dọn chỗ cho mình.

Thực tế, đã có nhiều đơn vị sau một đợt đấu đá, những người chính trực, có tài năng bị “bật bãi”, kẻ ở lại nắm quyền không có năng lực, yếu kém về chuyên môn, suy thoái về đạo đức đã khiến cho tổ chức đó ngày càng suy yếu.

Và với cách bổ nhiệm cán bộ dựa trên “quan hệ và tiền tệ” đã khiến những người có trình độ thực sự, có đạo đức công vụ lại không được cất nhắc, đề bạt. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người sau nhiều năm được nhà nước đào tạo, cho đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng khi về nước đã chán nản, bỏ ra ngoài làm việc cho tư nhân hoặc các tổ chức nước ngoài.

Nghỉ hưu sớm, với nhiều người không phải vì họ lười lao động hay né một chính sách nào đó để có lợi cho bản thân. Họ chỉ muốn tìm một môi trường làm việc thực sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng.

Nếu không kịp thời thay đổi cách tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế…, tạo môi trường làm việc thực sự minh bạch thì nguồn chất xám quý giá đang độ “chín” sẽ chảy ra khỏi khu vực công càng ngày càng nhiều./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu