Chủ Nhật, 24/11/2024 14:39 (GMT +7)

Nhiều vướng mắc trong ứng dụng công nghệ thông tin y tế

Thứ 5, 16/03/2017 | 15:59:00 [GMT +7] A  A

Nhiều lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế vẫn chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Nhân lực cho công tác này còn mỏng, hệ thống máy tính nhiều nơi vừa thiếu vừa không đồng bộ…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Sáng 16/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán toán BHYT năm 2017.

Theo ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, đến tháng 2/2017, tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở y tế với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) trên toàn quốc đạt 94%. Nhưng tỷ lệ hồ sơ gửi đúng hạn, phục vụ thống kê thông tuyến khám chữa bệnh, tránh lạm dụng BHYT trên toàn quốc, chỉ đạt 41%; trong đó, Thừa Thiên Huế (24%); Hồ Chí Minh (20%), Quảng Ngãi (21%)…

Thống kê cũng cho thấy, số lượng hồ sơ của các cơ sở y tế bị từ chối do chưa chuẩn danh mục dùng chung đến tháng 1/2017 là 13%; tỷ lệ bị từ chối một phần là 39%.

Tại các cơ sở y tế, các máy tính được mua sắm ở nhiều thời điểm khác nhau, phải mua sắm tập trung, nên hiện tại vừa yếu về cấu hình, vừa thiếu về số lượng. Hệ thống mạng LAN trong cơ sở y tế chưa hoàn thiện, tốc độ đường truyền internet còn chậm, không ổn định…

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý khám chữa bệnh đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh do nhiều doanh nghiệp cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời, nên chưa đáp ứng yêu cầu trích xuất dữ liệu theo các biểu mẫu thanh quyết toán theo quy định BHYT.

Đặc biệt, nhiều cơ sở y tế chưa thể kết nối được kết quả xét nghiệm vào phần mềm do thiếu đồng bộ của các máy xét nghiệm, thiết bị sinh ảnh. Phim ảnh y tế chưa đưa vào hệt thống chung vì đòi hỏi dung lượng lưu trữ quá lớn, tốn kém chi phí đầu tư ban đầu.

“Thực tế kiểm tra tại các cơ sở y tế cho thấy, lãnh đạo một số đơn vị chưa xác định được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; chưa quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện mã hóa danh mục dùng chung và trích chuyển dữ liệu”, ông Đặng Hồng Nam nhấn mạnh.

Đến nay, nhiều cơ sở y tế chuyển dữ liệu muộn hơn quy định, thậm chí có cơ sở 1 tháng mới chuyển một lần (Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện răng hàm mặt…). Các cơ sở y tế cũng phản ánh, khối lượng công việc thanh quyết toán hồ sơ khám chữa bệnh hàng ngày tại cơ sở y tế quá nhiều, nhất là nhưng bệnh viện lớn, nên khó gửi dữ liệu khi bệnh nhân ra viện theo đúng thời hạn của BHXH.

Mặt khác, khi tiếp nhận nhận dữ liệu, thường một thời gian sau cơ quan BHXH VN mới phản hồi về các sai lệch, lý do không được tiếp nhận;khiến các cơ sở y tế mất rất nhiều thời gian rà soát, bổ sung thông tin.

Đại diện ngành Y tế cho biết, lộ trình là trước ngày 30/6/2017, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và trung ương liên thống BHYT, đảm bảo thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên phục vụ giám định điện tử; và đến 31/8 là 100% cơ sở KCB huyện sẽ đảm bảo việc chuyển gửi dữ liệu.

Để có thể đạt mục tiêu trên, ngành Y tế đang nỗ lực ban hành các văn bản, tiếp tục cập nhật bộ mã danh mục dùng chung; thông tư quy định về chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý, thanh toán BHYT giữa cơ sở y tế, Bộ Y tế và BHXH VN…

Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở cảnh báo của Hệ thống thông tin khám chữa bệnh BHYT. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành hỗ trợ thực hiện tháo gỡ khó khăn trong kết nối liên thông dữ liệu trong toàn quốc…

Tin, ảnh: Phương Liên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu