Chủ Nhật, 24/11/2024 05:47 (GMT +7)

Nuôi cá tầm trong bể thu tiền tỷ ở Lâm Đồng

Thứ 3, 22/08/2023 | 09:44:08 [GMT +7] A  A

Thay vì tìm đến những khu vực gần rừng, có nguồn nước suối chảy tự nhiên để nuôi cá tầm thì những người dân ở huyện Đam Rông - huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng lại tìm được giải pháp đơn giản hơn để làm giàu từ loài cá nước lạnh này.

Gia đình bà Nguyễn Phương Bắc (thôn 4, xã Rô Men, Đam Rông) có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ 20 bể nuôi cá tầm cho sản lượng 10 - 15 tấn/năm.

Đó là dẫn nước suối về bể xi măng để nuôi cá tầm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nằm ngay khu dân cư thuộc trung tâm xã Rô Men (huyện Đam Rông), ngay mặt tiền đường chính nhưng trang trại cá tầm của ông Huỳnh Ngọc Thu (43 tuổi, quê Vũng Tàu) vẫn hoạt động bình thường. Khu trang trại trên diện tích rộng 10.000 m2 với khoảng 80 bể chứa được xây dựng kiên cố hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Để hoạt động hiệu quả và phòng tránh rủi ro nguồn nước bị ô nhiễm, trang trại có riêng khu vực bể lắng, lọc để dẫn nước từ đầu nguồn về. Sau đó, nguồn nước sạch phân phối cho các bể nuôi ở hạ lưu, chảy liên tục đến các bể chứa cá con, cá trưởng thành, cá giống.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thu, trước khi quyết định đến Đam Rông đầu tư nuôi cá tầm vào năm 2015, ông đã đi tìm hiểu nhiều nơi như huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt nhưng lại thấy vùng đất Đam Rông ổn định hơn cả. “Nơi đây có suối nước mát từ núi chảy về, nguy cơ ô nhiễm rất thấp. Đặc biệt vùng đất này có nền nhiệt độ ổn định trung bình khoảng 25 độ C, độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm rất thấp là điều kiện lý tưởng cho loài cá nước lạnh sinh trưởng” - ông Thu nhận định.

Từ những bể nuôi cá đầu tiên, trang trại của ông Thu ngày càng mở rộng quy mô với nhiều khu chức năng riêng với các bể nuôi khoảng 800 m2 mặt nước như hiện nay. Thống kê sơ bộ phần đầu tư cơ sở vật chất, bể nuôi cá, nguồn cá giống, thức ăn… chi phí đầu tư hiện đã trên 40 tỷ đồng.

Tuy kinh phí đầu tư cao nhưng sản lượng của trang trại đang đạt hiệu quả tốt, cho khoảng 500 - 600 tấn cá/năm. Thị trường chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức giá trung bình như hiện nay (220.000 đồng/kg), trang trại của ông Thu có doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại gần một nửa.

Tuy không quy mô bằng trang trại của ông Huỳnh Ngọc Thu, gia đình bà Nguyễn Phương Bắc (thôn 4, xã Rô Men) cũng là một trong những mô hình nuôi cá nước lạnh tiêu biểu của địa phương. Vốn sinh sống ở vùng đất nghèo Đam Rông hơn 20 năm nay, ngay khi có mô hình kinh tế mới hiệu quả, bà Bắc đã nhanh chóng tiếp thu, học hỏi và áp dụng.

Tại khu vực trang trại với địa hình đồi núi, khu dân cư còn thưa thớt và nguồn nước tự nhiên dồi dào, bà Bắc xây dựng hơn 20 bể cá tầm với hơn 200 m2 mặt nước, sản lượng mỗi năm đạt 10 - 15 tấn. Bà Bắc cho biết, gia đình bà mới bắt đầu nuôi cá nước lạnh được hơn 3 năm nay nhưng nhờ đầu ra thuận lợi, giá cá ổn định nên mỗi năm thu về hàng tỷ đồng tiền lãi. Đây cũng là một trong những nguồn thu chính của gia đình bà trong vài năm qua.

Dù sinh sau đẻ muộn so với các địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng nhưng mô hình nuôi cá nước lạnh phát triển khá nhanh tại huyện Đam Rông trong những năm gần đây; trong đó, địa bàn xã Rô Men được xem là “thủ phủ” nuôi cá nước lạnh ở huyện Đam Rông.

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho hay, dù là mô hình mới nhưng bà con rất quan tâm học hỏi và thực hiện. Thống kê toàn xã hiện có 45 hộ đang nuôi cá tầm, địa phương cũng tích cực hỗ trợ cho bà con như định hướng quản lý, tập huấn về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh để đạt hiểu quả nhất.

“Địa phương cũng có quy hoạch dài hạn trong việc phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh, trong đó đến năm 2025 đạt 20 ha mặt nước nuôi cá tầm và tầm nhìn đến năm 2030 đạt khoảng 28 ha nhằm đảm bảo sự phát triển bền vũng, tránh phát triển tràn lan” - ông Thành nói.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, toàn huyện hiện có gần 10 ha nuôi cá tầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao (bể xi măng, phủ lưới che, hệ thống nước chảy tự động…) với năng suất trên 70 tấn/ha (sản lượng từ 1.200 - 1.400 tấn/năm). Diện tích nuôi cá tầm chủ yếu tập trung ở xã Rô Men, Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng Srônh.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, cá tầm có thị trường ổn định, giá bán bình quân từ 180.000 - 300.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, huyện đã định hướng phát triển đạt 50 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh đến năm 2025. Cùng với đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tầm địa phương nhằm đảm bảo phát triển thị trường, đầu ra cho cá tầm.

Bể nuôi cá giống của một hộ dân ở huyện Đam Rông với những con cá có thể nặng tới 40 - 50kg để cung cấp một phần cá giống cho người dân địa phương.

Trong khi đó, ông Liêng Hot Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông phấn khởi cho biết, nuôi cá tầm là một trong những mô hình giảm nghèo nhanh của địa phương trong vài năm trở lại đây. Diện tích nuôi cá tầm của địa phương hiện cũng đang đứng đầu cả tỉnh Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

“Đây cũng là niềm tự hào của huyện vùng sâu, vùng xa như Đam Rông và cũng là áp lực cho địa phương trong việc quản lý, xây dựng và quy hoạch phát triển mô hình sao cho phù hợp, tránh lâm vào thực trạng cung vượt cầu như những mô hình phát triển kinh tế như trước đây” - ông Liêng Hot Ha Hai khẳng định.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu