Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 00:02 (GMT +7)
Phòng, chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc
Thứ 2, 13/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng trong cuộc chiến với HIV/AIDS, nhất là những bước tiến dài trong công tác điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm.
Cải thiện sức khỏe bệnh nhân HIV/AIDSBác sỹ Tòng Văn Sử, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, Sơn La cho biết, trong số 10 trẻ em bị nhiễm HIV đang được điều trị tại bệnh viện, có một em bé tại Bản Két, xã Tạ Bú, Mường La nhiễm HIV do bú sữa của dì ruột bị nhiễm HIV. Trường hợp này được phát hiện cách đây 5 năm, em bé được sinh ra hoàn toàn bình thường, bố mẹ khỏe mạnh, không hề bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, do người dì của em nhiễm HIV mà không biết nên đã cho cháu bú sữa trong khi mẹ cháu đi làm vắng nhà. Đến khi cháu bé bị ốm vào viện điều trị thì mới phát hiện dương tính với virus HIV. Khi ấy, người dì cũng mới biết mình đã nhiễm căn bệnh này từ khi nào không biết. Nhờ được cấp cứu, điều trị ARV em bé mới có cơ may sống sót.
Cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân điều trị thay thế nghiện ma túy tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
ARV là thuốc điều trị dùng cho người nhiễm HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi rút và làm chậm giai đoạn chuyển sang AIDS. Dùng ARV cho người nhiễm HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống có ý nghĩa. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng: Khi người nhiễm HIV được điều trị ARV, nguy cơ lây nhiễm HIV ở bạn tình không nhiễm giảm 96%.
Điều trị ARV sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS. Điều trị ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác, và làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Có thể khẳng định, việc điều trị bằng ARV giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người bình thường, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Hưởng lợi từ chương trình
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc có 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã/phường, Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06).
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Sở Y tế Sơn La: Đến ngày 15/10/2015, số người nhiễm HIV còn sống ở địa phương là 7.722 người, trong đó, số người đã tử vong là 2.713 người. Tổng cộng toàn tỉnh có 10.435 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 6.167 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế, Sơn La đang triển khai khá toàn diện và rộng khắp các dịch vụ từ dự phòng đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Trên địa bản tỉnh hiện có 16 cơ sở điều trị ARV. Các cơ sở đã quản lý, theo dõi và chăm sóc được 3.538 trường hợp; trong đó số bệnh nhân AIDS mới được điều trị ARV là 673 người; đồng thời điều trị nhiễm trùng cơ hội cho 1.643 người. Số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV là 17 trẻ.
Đại diện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết, tại tỉnh Điện Biên, từ năm 1998 đến nay đã phát hiện 7.619 người nhiễm HIV, trong đó đã tử vong 3.321 trường hợp, tỉnh đang quản lý 3.488 người nhiễm HIV. Mặc dù số phát hiện mới những năm gần đây ở tỉnh Điện Biên có chiều hướng giảm nhưng số người nhiễm vẫn rất cao, chiếm 0,64% dân số cả tỉnh. Được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Điện Biên đang triển khai khá toàn diện và rộng khắp các dịch vụ từ dự phòng đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Trên địa bàn toàn tỉnh có 11 phòng tư vấn xét nghiệm HIV, có 3 phòng xét nghiệm khẳng định, 56 trạm y tế xã triển khai xét nghiệm bằng test nhanh sàng lọc HIV. Về điều trị bằng thuốc kháng vi rút, tỉnh có 10 cơ sở điều trị trên địa bàn 10 huyện, thị, thành phố, có 30 xã cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân điều trị ổn định. Hiện tại, các cơ sở điều trị đang chăm sóc, điều trị cho 2.425 bệnh nhân bằng thuốc ARV.
Như vậy, trước mắt và khẩn cấp cần có các giải pháp tổng thể để huy động nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV, chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Việc thu phí dịch vụ điều trị ARV của người bệnh là khó khả thi vì hầu hết người bệnh HIV/AIDS là người nghèo, không có khả năng chi trả;. Hơn nữa, thu phí dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, tăng tỷ lệ HIV kháng thuốc và tăng chi phí điều trị ARV. Giải pháp lâu dài là cần nhanh chóng triển khai chi trả khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế. Giải pháp hiệu quả là cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV, đảm bảo các bệnh nhân được điều trị ARV liên tục…
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu mở rộng việc sử dụng thuốc ARV để điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện có gần 100.000 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV, trong đó có gần 5.000 trẻ em. |
Ý kiến ()