Chủ Nhật, 24/11/2024 14:53 (GMT +7)

Phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc: Vẽ bệnh, móc túi bệnh nhân!

Thứ 4, 22/03/2017 | 16:14:00 [GMT +7] A  A

Những năm qua, các phòng khám có bác sỹ Trung Quốc hoạt động trên địa bàn TP. HCM có nhiều sai phạm nhưng việc chấn chỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước Tết Nguyên đán 2016, anh H, ngụ Quận 6 có những dấu hiệu bệnh nam khoa. Lên internet tìm hiểu thì được sự tư vấn tận tình của Phòng Khám Đa khoa Thế giới ở số 646-648 Võ Văn Kiệt, Quận 5.

Đến thăm khám, gặp bác sĩ Trung Quốc, anh được biết bị viêm đường tiết niệu. Phiên dịch viên liên tục nói bệnh đã nặng lên tới bàng quang, nguy cơ không còn khả năng sinh con, cần phải điều trị ngay lập tức trong 2 -3 ngày tới. Anh H hoang mang nên đồng ý điều trị. Sau đó, bác sĩ còn bổ sung thông tin là bao quy đầu đang có vấn đề, nếu không chữa trị sẽ hư toàn bộ.

phong kham da khoa trung quoc ve benh moc tui benh nhan hinh 1
Nhiều phòng khám có bác sỹ Trung Quốc làm ăn theo kiểu “chặt chém”. (Ảnh minh họa).

Được tư vấn chi phí điều trị là 16 triệu đồng cho cả 2 bệnh, kèm theo vài triệu đồng tiền thuốc, nên anh H chấp nhận. Tuy nhiên, anh H cho biết: Trong quá trình điều trị, phòng khám cố tình kéo dài liệu trình, không như thông tin đưa ra ban đầu. Từ dự kiến hơn 20 triệu đồng chi phí điều trị, anh H đã phải trả hơn 40 triệu đồng. Khi thấy mình đã hết bệnh, mà chi phí còn quá cao nên muốn dừng lại, nhưng phòng khám còn tỏ thái độ khó chịu và không cho lấy hồ sơ giấy tờ liên quan.

Anh H bức xúc kể: “Em nói xin lại bộ hồ sơ của em điều trị từ trước tới giờ. Vì trước tới giờ em chỉ nhận được tờ giấy yêu cầu đóng tiền chi phí thôi, chứ không biết điều trị thế nào. Nhưng cuối cùng họ không cho em lấy. Họ nói em phải điều trị đến khi nào khỏi thì mới lấy được bệnh án”.

Sau khi nghe chuyện anh H, phóng viên VOV đã vào vai người bệnh thâm nhập phòng khám nói trên. Khi yêu cầu muốn biết bảng giá các chi phí liên quan đến khám phụ khoa, phóng viên không được biết cho đến khi lên gặp bác sĩ người Trung Quốc. Điều khó hiểu là tại phòng khám, cả bác sĩ và người phiên dịch đều không đeo bảng tên trong khi làm việc. Ở đây, bác sĩ không nói một lời nào để người phiên dịch nói lại cho tôi nghe, mà chỉ có phiên dịch viên nói rất nhanh, nghiêm trọng một số bệnh mà phóng viên có thể đang bị. Tuy nhiên, khi biết giá tiền phải đóng cao, tôi không muốn thực hiện các xét nghiệm để điều trị thì phiên dịch viên tỏ ra gắt gỏng. Sau đó, tôi được trả kết quả nội soi và sổ khám bệnh mà không có chữ ký bác sĩ khám. Hỏi thì người phiên dịch trả lời: Việc đó không cần, tất cả các bệnh nhân đều không cần ký.

Còn rất nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” của bệnh nhân khi đi chữa bệnh ở một số phòng khám Trung Quốc đã được báo chí phản ánh thời gian qua. Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận thanh tra sở nhận nhiều phản ánh liên quan đến phòng khám Trung Quốc. Trong đó, nhiều người cho rằng những phòng khám này “vẽ bệnh” để thu tiền. Cuối cùng, có nhiều bệnh nhân phải đến điều trị biến chứng tại các bệnh viện công.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 13 ngàn cơ sở y tế hoạt động, trong đó có 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc. Trong năm 2016, Thanh tra Sở Y tế đã xử lý các sai phạm và phạt tổng cộng 10 tỷ đồng. Trong đó, các phòng khám Trung Quốc bị phạt trên 1 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Sở Y tế, một số phòng khám có người Trung Quốc hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn dịch vụ kỹ thuật cấp phép. Dù bị điều chỉnh nhưng vẫn lén lút sử dụng, gây khó khăn cho việc thanh tra. Qua thanh, kiểm tra, cũng phát hiện thông dịch ở các phòng khám không phép và thiếu trình độ chuyên môn.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từng trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân về việc các phòng khám Trung Quốc lộng hành, ông thừa nhận việc quản lý các phòng khám này hết sức phức tạp. Qua phản ánh của người dân, Sở Y tế thực hiện kiểm tra nhiều lần hơn so với những phòng khám tư khác, nhưng vẫn còn nhiều vi phạm. Đặc biệt có tình trạng phòng khám Trung Quốc bị xử phạt, rút giấy phép nơi này thì chuyển đến nơi khác mở cơ sở mới tiếp tục lừa bệnh nhân cho đến khi bị phát hiện. Một số cơ sở sai phạm thì đổi luôn tên pháp nhân khiến Thanh tra y tế không xử lý hành chính được. Trong khi đó có những bệnh nhân tin vào quảng cáo sai sự thật nên đến những cơ sở này, dẫn đến bị lừa đảo mà không hay biết.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để siết chặt hoạt động của các phòng khám Trung Quốc, thanh tra sở sẽ xem xét trách nhiệm chuyên môn của từng bác sĩ trong phòng khám Trung Quốc và sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu không đáp ứng các điều kiện quy định. Những sai phạm liên quan đến quy trình điều trị và giá cả của phòng khám này sẽ được phổ biến lên trang thông tin điện tử.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết trong tháng 3, Sở Y tế đề nghị các phòng khám đa khoa phải đăng ký giá của khám chữa bệnh đến sơ y tế theo quy định của pháp luật, Luật giá 2017. Đồng thời các cơ sở này cũng phải xây dựng phác đồ chẩn đoán về điều trị, từng phác đồ điều trị đã đưa lên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế, các bệnh lý và quy trình chẩn đoán cụ thể.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn còn nhiều phòng khám hoạt động theo hình thức vẽ bệnh, móc túi khiến người dân bức xúc. Sở Y tế Thành phồ Hồ Chí Minh cần nhanh chóng xử lý và dẹp bỏ vấn nạn này./.

Kim Dung/VOV – TP. Hồ Chí MinH

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu