Thứ Bảy, 23/11/2024 20:25 (GMT +7)

Phụ nữ khuyết tật gặp nhiều rào cản khi tìm việc

Thứ 6, 13/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Đánh giá của Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) và Tổ chức lao động thế giới (ILO), phụ nữ khuyết tật gặp nhiều rào cản khi đi xin việc, rất khó tìm được những cơ hội việc làm tốt, phù hợp với sức khỏe và năng lực của bản thân.

Theo khảo sát của Học viện Phụ nữ Việt Nam tại ba tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh, với hơn 500 phụ nữ khuyết tật, thì chưa tới 1/3 số người được hỏi có việc làm. Có những người đã từng đi làm, nhưng phải bỏ việc, trong đó phần lớn không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ: “Nhiều người bị sa thải hoặc từ chối do hiệu quả công việc thấp, bị kỳ thị, phân biệt, khó khăn trong việc đi lại. Có những trường hợp gia đình có người phụ nữ khuyết tật không đồng ý cho đi làm bởi vì gia đình họ phải đảm đương công việc đưa đón hằng ngày, như thế còn vất vả hơn nên họ để người phụ nữ ấy ở nhà”.

Người khuyết tật huyện Ba Vì học nghề may

Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có khoảng 1.000 phụ nữ khuyết tật nằm trong độ tuổi lao động, hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, bởi không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, không phù hợp với sức khỏe hay dạng tật.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Nga, giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (Sóc Sơn), phụ nữ khuyết thật ít được tiếp cận với các cơ hội việc làm tạo ra thu nhập và hiếm khi được tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng. Họ chỉ quanh quẩn trong nhà, phải sống dựa vào gia đình, né tránh, mặc cảm với xã hội, không có cơ hội đến trường, không được tiếp cận học nghề và việc làm.

Nhiều phụ nữ khuyết tật lựa chọn những công việc mang tính tự phát, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, sức khỏe để làm. Có thể là làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, bán hàng… tại nhà, con số này lên tới gần 65%. Một số ít phụ nữ khuyết tật có thể huy động vốn kinh doanh nhỏ, mở các cơ sở sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các hội, hợp tác xã người khuyết tật để làm việc. Vì không được học hành bài bản, năng suất thấp, nên thu nhập của phụ nữ khuyết tật không cao, điều này càng khiến họ có tâm lý chán nản, không hài lòng với công việc đang có.

“Có nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng đóng tiền trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hơn là nhận người khuyết tật vào làm việc. Những cơ sở có nhận người khuyết tật thì phần lớn chủ cũng là người khuyết tật, muốn tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ”, TS Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ.
Bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc IDEA cho biết: Phụ nữ khuyết tật là lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội. Họ cần được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng, tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Có việc làm bền vững là mong mỏi của người khuyết tật, đặc biệt là của phụ nữ khuyết tật.
Trong những năm qua, với những chính sách của Nhà nước, chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động của Hội, nhóm, CLB của người khuyết tật ngày càng phát triển, cũng như sự nỗ lực của chính bản thân; nhiều người khuyết tật đã vượt qua định kiến, kỳ thị để vượt ra ngoài, tham gia các hoạt động của cộng đồng, trở thành chủ doanh nghiệp, chủ gia đình…
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật để nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ khuyết tật về quyền bình đẳng, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tạo cơ hội cho họ có thể hòa nhập và phát triển. Từ năm 2012 đến nay, 12 mô hình Nhóm phụ nữ tự lực đã được xây dựng và hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam… với 360 phụ nữ khuyết tật tham gia. Hội cùng tổ chức các chương trình tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật, thực hiện các cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, khuyết tật…
Xuân Minh – Bích Ngọc- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu