Chủ Nhật, 24/11/2024 00:01 (GMT +7)

Số người nghiện tăng gấp 3 lần sau 20 năm

Thứ 4, 15/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 14/6, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam”.

Quang cảnh hội thảo

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tính đến năm 2015, số lượng người nghiện ma túy đã lan rộng và xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành phố với số lượng khoảng 200.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 1995. Đối tượng nghiện xuất hiện ở mọi lứa tuổi với 76% người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người nghiện dùng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hạn chế nêu trên là do nhận thức của các cấp chính quyền và tầng lớp nhân dân về nghiện ma túy, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, dẫn đến các giải pháp cai nghiện chưa thực sự phù hợp.

Trong thời gian trên, nhiều giải pháp đã được các cấp, các ngành triển khai như tăng thời gian cai nghiện tại Trung tâm từ 6 đến 12 tháng lên 12 đến 24 tháng; áp dụng biện pháp quản lý sau cai từ 12 tháng đến 24 tháng song tỷ lệ tái nghiện không giảm, luôn giữ ở mức trên 90%. Nghiện ma túy không chỉ nghiện thuốc phiện, hêrôin, cần sa, nghiện ma túy tổng hợp, mà số người nghiện nhóm chất kích thích dạng Amphetamine và Methamphetamin (hay còn gọi là ma túy đá) đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan chức năng.

Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020. Đề án đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể gồm 4 mục tiêu: nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về nghiện ma túy và điều trị nghiện theo quan điểm mới; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác điều trị; nâng cao tỷ lệ người được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý và tăng tỷ lệ người được điều trị hòa nhập cộng đồng có việc làm.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, để làm được điều này, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Việc tuyên truyền cả hai mặt gồm cả tác hại và mô hình, con người cụ thể bằng nghị lực và được sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội đã vượt lên được trên ma túy và hòa nhập tốt với cộng đồng. Định hướng tuyên truyền sẽ hướng tới coi người nghiện ma túy là một loại bệnh và việc điều trị là tự nguyện và hướng về cộng đồng.

Xuân Cường- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu