Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:18 (GMT +7)
Tập trung nguồn lực cho tiêm chủng mở rộng Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong
Thứ 7, 27/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả nhất ở Việt Nam. Nhưng để có được sự thành công nổi trội ấy, những cán bộ, y, bác sĩ làm công tác tiêm chủng luôn phải thầm lặng vượt qua nhiều thách thức trong công việc.
Nhờ có TCMR, hàng năm, chúng ta đã bảo vệ được cho hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị tử vong bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phòng tránh cho nhiều thai phụ khỏi những căn bệnh có thể lây nhiễm sang thai nhi.
Phòng bệnh trên diện rộng
“Không có TCMR thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Những thập kỷ trước, bệnh nhân mắc bạch hầu, ho gà, uốn ván vào bệnh viện cấp cứu rất nhiều, tử vong rất lớn, người dân ít biết đến thông tin này là do ngày đó, truyền thông không phủ rộng như bây giờ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Trẻ tiêm vắcxin Pentaxim tại Trung tâm y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh. |
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án TCMR, cũng cho biết: “Nhờ có TCMR, hàng năm, hơn 1,5 triệu trẻ em được tiêm chủng phòng 10 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất và gần 1,6 triệu phụ nữ có thai được tiêm phòng vắcxin uốn ván. Chúng ta đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan virút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước khi triển khai tiêm chủng (trước những năm 1980)”.
Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi 8 loại vắcxin (đạt trên 90%), nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc vắcxin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván; vắcxin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Tiếp tục triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1 – 5 tuổi hàng tháng nhằm chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản kịp thời. Tăng cường tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính ở trẻ nhỏ…
Tín hiệu đáng mừng là sau những nỗ lực tuyên truyền về lợi ích tiêm chủng của ngành y tế, các bà mẹ có xu hướng đưa trẻ đi TCMR nhiều hơn. Thống kê cho thấy, ngay vắcxin TCMR có “điều tiếng” về một số tai biến như Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1) thì cũng có tới 92% trẻ trong độ tuổi được tiêm, chỉ có 8% trẻ là tiêm vắcxin dịch vụ. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ đã chia sẻ về việc cần phải đưa trẻ đi TCMR, không nên chờ vắcxin dịch vụ vì có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Thực tế, ngoài một số ít trẻ bị phản ứng nặng, sốt cao thì nhiều trẻ tiêm vắcxin Quinvaxem chỉ bị phản ứng sưng, sốt nhẹ thông thường.
TTXVN
Ý kiến ()