Thứ Ba, 26/11/2024 05:39 (GMT +7)

Tẩy chay sản phẩm gia cầm là ‘vơ đũa cả nắm’

Thứ 4, 08/03/2017 | 09:14:00 [GMT +7] A  A

Cúm gia cầm tại Việt Nam đang xuất hiện ở mức độ nhỏ lẻ, với 14 hộ chăn nuôi của 10 xã có dịch. Các ổ dịch này đã được khoanh vùng, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc nên không lây lan. Vì vậy, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, không nên tuyên truyền thái quá, khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Hiện tại, với nỗ lực kiểm soát dịch cúm gia cầm, tuy cúm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn gia cầm ở 14 hộ chăn nuôi của 10 xã, các ổ dịch này đã được khoanh vùng, tiêu hủy nên không lây lan. Các tỉnh này gồm: Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An và Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nên giá gà, gia cầm trong nước vẫn đang ở mức thấp. Theo Hiệp hội gia cầm Đông Nam Bộ, hiện giá gà là 18.000 – 19.000 đồng/kg, cá biệt có hộ bán 13.000 – 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi đang lỗ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm tại Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Còn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, lượng gia cầm bán ra cũng giảm mạnh do người dân lo ngại dịch cúm gia cầm. Một người bán gia cầm sống tại chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết, từ sau Tết đến nay, số lượng người mua gia cầm giảm tới 30%. Nguyên nhân là do, nhiều người lo ngại dịch cúm gia cầm thường xuất hiện vào mùa xuân sau Tết. Hơn nữa, thông tin về dịch cúm gia cầm lây lan rộng bên Trung Quốc, có tỉ lệ tử vong cao khiến họ lo lắng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, mỗi ngày thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 60 tấn gia cầm. Tuy nhiên, sau khi thông tin về dịch cúm gia cầm được đăng tải, lượng gia cầm tiêu thụ đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 20-30 tấn/ngày.Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Nếu tuyên truyền người dân không nên sử dụng gia cầm tươi sống, họ sẽ chuyển sang sử dụng gia cầm đông lạnh, vô tình kích cầu thực phẩm nhập khẩu. Do vậy, chỉ tuyên truyền người dân không nên sử dụng gia cầm bị mắc bệnh, không an toàn. Nếu gia cầm tươi sống an toàn vẫn sử dụng bình thường”.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam có 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, đa phần là tự phát. Mỗi ngày, các hộ chăn nuôi này có thể cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn con gia cầm. Do vậy, người tiêu dùng không thể phân biệt được gia cầm bị bệnh và gia cầm khỏe mạnh. Vì ở ngoài chợ, gia cầm sống được bán tràn lan.

Theo ông Trọng, gia cầm an toàn là loại có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm soát của thú y. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ NN&PTNT) đã tổng hợp các chuỗi sản xuất, được kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Cục Chăn nuôi cũng đang phối hợp với một đơn vị của Hà Lan để xây dựng các chuỗi chăn nuôi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mã vạch, mã định danh, truy suất nguồn gốc.

Về chuỗi an toàn thực phẩm, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi đã tập hợp được 519 chuỗi, các địa chỉ xanh, nông sản sạch tại 61 tỉnh, thành phố. Thông tin được công bố công khai trên trang web của cục. Người tiêu dùng có thể tham khảo tại đây để tìm những điểm bán thực phẩm an toàn”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cúm gia cầm đang hoành hành tại Trung Quốc. Để phòng chống nhập lậu gia cầm qua biên giới, Cục Chăn nuôi và Trung tâm khuyến nông đã triển khai chương trình tăng cường sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc. “Cuối năm 2016 đã nghiệm thu có hiệu quả, sẽ tăng quy mô gấp 5 lần để giảm lưu thông giam cầm qua biên giới. Trên cơ sở đó, tăng cường chăn nuôi theo hướng VietGap và an toàn sinh học để có các sản phẩm an toàn”, ông Trọng nói thêm.

H.V-TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu