Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 22:34 (GMT +7)
Thúc đẩy loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu chống COVID-19 tại APEC 2021
Thứ 2, 22/02/2021 | 15:20:00 [GMT +7] A A
Theo hãng tin Reuters, New Zealand sẽ tận dụng vai trò nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 (APEC 2021) để tìm kiếm một cách tiếp cận toàn cầu đối với vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó sẽ loại bỏ thuế quan đối với những mặt hàng cần thiết trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 15/2/2021.
Ảnh: THX/TTXVN
Dự kiến New Zealand sẽ đưa ra đề xuất này tại Diễn đàn APEC 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến trong năm nay, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các quốc gia nhỏ sẽ bị tụt hậu trong chiến dịch tiêm phòng toàn dân,
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Thứ trưởng Thương mại và Kinh tế New Zealand Vangelis Vitalis – người chủ trì Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2021 – cho biết thông điệp New Zealand muốn đưa ra là để ứng phó với một đại dịch mang tính toàn cầu như hiện nay cần có sự tham gia của toàn cầu nhiều hơn. Theo ông Vitalis, mặc dù thương mại không giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay song có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề. Cụ thể, New Zealand đề xuất không áp dụng thuế quan đối với thuốc men, thiết bị y tế, sản phẩm vệ sinh và các mặt hàng khác được lưu chuyển giữa 21 nền kinh tế thành viên APEC, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động vận chuyển những hàng hóa này qua biên giới. Đề xuất này cần nhận được sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên trước khi được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC vào tháng 5 tới.
Năm ngoái, một số nước thành viên APEC đã cam kết duy trì mở chuỗi cung ứng liên quan COVID-19 và dỡ bỏ những hạn chế thương mại đối với hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung y tế. Tuy nhiên, đến nay các nước vẫn chưa có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. Cụ thể, chỉ có New Zealand và Singapore đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với 120 mặt hàng mà hai nước này cho là thiết yếu. Do đó, New Zealand mong muốn APEC 2021 sẽ đưa ra một tuyên bố cấp bộ trưởng, trong đó liệt kê các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chống đại dịch COVID-19 cũng như tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vaccine ngừa COVID-19 qua các cảng hàng không và cảng biển.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh các nước nhỏ như New Zealand lo ngại các nền kinh tế lớn hơn sẽ tích trữ và kiểm soát các nguồn cung y tế. Bất chấp những nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm bảo đảm cho các nước nhỏ hơn đều nhận được vaccine, các chuyên gia cảnh báo những nước giàu đang tích trữ vaccine và hàng hóa thiết yếu, bỏ mặc các nước nhỏ hơn và nghèo hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
New Zealand bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhân viên làm việc tại biên giới vào ngày 20/2 vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn trong số 5 triệu dân nước này sẽ chưa được tiêm chủng cho đến nửa cuối năm nay. Thứ trưởng Vitalis cảnh báo virus biến chủng cho thấy tầm quan trọng của việc tránh để nhiều khu vực trên thế giới chưa được tiêm phòng. Mặc dù vaccine chịu mức thuế thấp, song những chi phí đáng kể cho trang thiết bị như xi lanh, kim tiêm hay găng tay y tế có thể gây trở ngại đối với tiến trình tiêm chủng.
Những năm gần đây, APEC đã gặp khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung leo thang dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết có cách tiếp cận đa chiều hơn với Trung Quốc, song cũng không kỳ vọng hai bên sớm đạt được các thỏa thuận thương mại. Cựu Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC tại Singapore Alan Bollard cho rằng mặc dù New Zealand mong muốn APEC mở rộng tự do hóa thương mại, song các nền kinh tế cũng cần có tầm nhìn thực tiễn đối với triển vọng trong năm nay. Theo ông Bollard, đại dịch COVID-19 là mối quan tâm trước mắt, song giải quyết dịnh bệnh cũng chính là cơ hội để các nước vượt qua các rào cản thương mại hiện nay.
https://baotintuc.vn/the-gioi/thuc-day-loai-bo-thue-quan-doi-voi-hang-hoa-thiet-yeu-chong-covid19-tai-apec-2021-20210222141041663.htm
Ý kiến ()