Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 15:33 (GMT +7)
Tiếp sức cho nền kinh tế đầu tàu thế giới
Thứ 5, 11/03/2021 | 21:50:00 [GMT +7] A A
Dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua rạng sáng 11/3 (giờ Việt Nam) sau khi Thượng viện đã phê chuẩn vào cuối tuần trước đánh dấu chiến thắng lập pháp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trong nhiệm kỳ này, đồng thời được kỳ vọng sẽ là một động lực lớn mang lại triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi được lưỡng viện Quốc hội do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát “bật đèn xanh”, dự luật này sẽ được Tổng thống Joe Biden nhanh chóng ký ban hành, trở thành gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử của Mỹ cho tới nay. Đây cũng là dự luật lớn đầu tiên mà đảng Dân chủ có thể thông qua sau khi giành được quyền kiểm soát hạ viện, thượng viện và Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2020. Với nỗ lực ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền, Tổng thống Biden cũng cho cử tri thấy ông đã giữ đúng lời hứa.
Nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2021, ông Biden khẳng định việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế là những ưu tiên số một của chính quyền mới. Nhằm giúp đỡ những người dân Mỹ có thu nhập thấp đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ, trường học, ngành du lịch, khách sạn và các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề cũng như thúc đẩy công tác phòng chống đại dịch, phân phối vaccine, kế hoạch xét nghiệm và truy vết người nhiễm virus SARS-CoV-2, Tổng thống Biden đã đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.
Gói ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp đại dịch COVID-19 trị giá 1.400 USD sẽ được gửi trực tiếp cho người dân Mỹ trong tháng này. Đây là khoản tiền thứ ba mà người dân Mỹ nhận được kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và làm tê liệt nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã thông qua hai khoản tiền cứu trợ trị giá 1.200 USD và 600 USD cho mỗi người dân.
Với gói cứu trợ mới này, hơn 85% hộ gia đình ở Mỹ sẽ nhận được hỗ trợ tài chính. Cụ thể, cặp vợ chồng có hai con – có thu nhập khoảng 100.000 USD/năm – sẽ nhận được số tiền 5.600 USD. Gói hỗ trợ cũng cấp 300 USD cho mỗi người trong tổng số 9,5 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025. Gói cứu trợ cũng dành 350 tỷ USD nhằm trợ giúp các chính quyền tiểu bang và địa phương có nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Quang cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù đã được lưỡng viện thông qua và dự kiến sớm được ban hành thành luật, hiện vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều đối với gói hỗ trợ khổng lồ này. Giới quan sát nhận định tác động của gói cứu trợ này tới người tiêu dùng vẫn là điều khó đoán định.
Ngay từ khi được đưa ra, dự luật này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Chính vì vậy, đảng Dân chủ đã phải sử dụng chiến lược bỏ phiếu theo đảng để mở đường cho việc tranh luận về một giải pháp ngân sách trong tài khóa 2021, với các hướng dẫn chi tiêu cho việc hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Với chiến lược này, đảng Dân chủ có một công cụ pháp lý để gói kích thích trên được thông qua bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích đảng Dân chủ tự ý theo đuổi gói cứu trợ, gọi kế hoạch này là chi tiêu lãng phí không cần thiết, đồng thời cho rằng đảng Dân chủ muốn thúc đẩy “những thay đổi chính sách không liên quan mà họ không thể thông qua một cách trung thực” và gần 2.000 tỷ USD chi tiêu cứu trợ là không cần thiết.
Ngoài ra, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lo ngại gói kích thích này sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ phình to hơn. Trước đó, Văn phòng Ngân sách quốc hội (CBO) Mỹ cho biết trong năm nay, tổng số nợ của chính phủ liên bang dự kiến sẽ vượt quá quy mô của nền kinh tế, đó là chưa bao gồm gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD. Trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 9 năm ngoái, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ là 3.100 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ trong 3 tháng đầu tiên của tài khóa 2021, Washington chứng kiến mức thâm hụt kỷ lục 572,9 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Vì gói cứu trợ này, theo Cục Quản lý hành chính và ngân sách Mỹ (OMB), chính quyền sẽ buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi khác như hỗ trợ các khoản vay cho sinh viên, hỗ trợ của liên bang trong chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare hay chương trình nhà ở, thu thuế, bảo vệ nhà đầu tư và hoạt động hỗ trợ người thất nghiệp quốc gia.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân là một sự lãng phí nguồn lực chính phủ, hay lượng tiền quá lớn bơm vào nền kinh tế có thể khiến lạm phát bùng nổ. Với gói kích cầu 1.900 tỷ USD được phê chuẩn, nước Mỹ sẽ chi tổng cộng hơn 5.000 tỷ USD để kích cầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tương đương khoảng 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của nước này.
Trái với quan điểm trên, đảng Dân chủ cho rằng gói cứu trợ là “liều thuốc” cần thiết để vực dậy nền kinh tế Mỹ đang đình trệ cũng như giải quyết gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Tổng thống Joe Biden ca ngợi gói cứu trợ sẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế khi mang lại hàng triệu việc làm mới và giúp GDP tăng thêm 1.000 tỷ USD. Dự luật này sẽ giúp Mỹ có thể chiến thắng đại dịch khi đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19, trợ giúp những gia đình đang gặp khó khăn nhất để vượt qua thời điểm hiện nay và đảm bảo cơ hội tồn tại cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã ca ngợi dự luật là “việc quan trọng nhất để giúp đỡ người nghèo và người dân lao động trong nhiều thập niên” và là “một kế hoạch tuyệt vời”.
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng với đó, một số chuyên gia kinh tế cũng đặt nhiều kỳ vọng vào gói cứu trợ trên khi cho rằng GDP của Mỹ sẽ tăng vọt nếu chính quyền ông Biden triển khai gói cứu trợ này. Theo ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities LLC, khoản tiền trợ cấp trị giá 1.400 USD cho người dân Mỹ, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm. Việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay.
Phản bác quan điểm cho rằng dự luật cứu trợ COVID-19 mới có thể gây ra lạm phát và là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp nó gây ra lạm phát thì sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề đó sẽ được giám sát chặt chẽ.
Dù gói hỗ trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn sẽ “được lòng dân” trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố tích cực cho thấy triển vọng tươi sáng của nền kinh tế trong những tháng tới khi doanh số bán lẻ trong tháng 1/2021 tăng mạnh nhất trong 7 tháng qua và sản xuất của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm vào tháng tiếp theo. Thị trường lao động, vốn phục hồi chậm hơn, đã cho thấy mức tăng việc làm cao hơn dự kiến trong tháng 2. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng hằng ngày đã tăng gấp 4 lần và các ca nhiễm COVID-19 mới đã giảm mạnh kể từ đầu năm nay. Giới chuyên gia cho rằng kiểm soát đại dịch vẫn là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế, song rõ ràng gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD sẽ tạo đà để Tổng thống Biden tiếp tục triển khai chính sách đối nội của chính quyền mới.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tiep-suc-cho-nen-kinh-te-dau-tau-the-gioi-20210311123444541.htm
Ý kiến ()