Sau chuỗi ngày căng thẳng liên quan đến việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy – Tiền Giang, Bộ GTVT đã đưa ra phương án giải quyết tình trạng người dân phản đối bằng việc nhét tiền lẻ vào chai nhựa để trả tiền vé khiến nhân viên soát vé phải mất thời gian kiểm tiền, gây ách tắc giao thông.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về việc giảm giá phí qua trạm thu phí Cai Lậy với mức giảm so với trước đây thấp nhất là 10.000 đồng/ lượt phương tiện và cao nhất là 40.000 đồng/lượt phương tiện. Đồng thời, chủ đầu tư dự án Tuyến tránh Cai Lậy sẽ miễn, giảm cho xe buýt và một số phương tiện vận tải trong 4 xã vùng dự án đi qua.
Đây có thể được coi là “bước lùi” đầu tiên của cơ quan quản lý, nhà đầu tư trước phản ứng của người dân. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề ở đây là chỉ giảm giá vé (về bản chất là vẫn thu của những chủ xe không đi trên tuyến tránh) và miễn cho người dân sống trong các xã vùng dự án. Mấu chốt của vấn đề là trạm thu phí đường tránh nhưng lại được đặt trên quốc lộ 1 – nút cổ chai về ĐBSCL – nghĩa là trạm thu phí này đã được đặt nhầm chỗ. Sự nhầm này mang lại phần lợi cho nhà đầu tư.
Giở lại hồ sơ dự án này mới thấy nhiều vấn đề đáng bàn và cần phải minh bạch. Đó là vị trí đặt trạm không đúng với hồ sơ thiết kế ban đầu đã được phê duyệt. Trong dự án này, chủ đầu tư xây dựng mới 7 cây cầu trên tuyến tránh 12 km. Tuy nhiên, trên đường tránh này không có 2 cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương.
Việc đặt trạm thu phí như hiện nay đã khiến cho tình trạng “phí chồng phí” diễn ra vì hàng năm các chủ phương tiện đã phải đóng phí đường bộ nhưng khi đi trên quốc lộ 1 qua trạm Cai Lậy họ lại vẫn phải đóng phí?
Phương án mà Bộ GTVT đưa ra không thể giải quyết triệt để vấn đề nên chắc chắn những bức xúc xung quanh trạm thu phí này sẽ vẫn không thể thuyên giảm. Giải pháp được nhiều người ủng hộ hiện nay là dỡ bỏ ngay trạm thu phí này đưa về đúng vị trí ban đầu mà dự án đã xây dựng.
BOT là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới khi đầu tư phát triển hạ tầng. Phương thức đầu tư này cũng được kỳ vọng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam. Những bất cập nảy sinh vừa qua đối với loại hình này chính là do khâu quản lý lỏng lẻo.
Việc quy hoạch, xây dựng BOT tràn lan, doanh nghiệp khai thác thì đặt ra những mức phí cao khiến người dân bức xúc. Đã đến lúc cần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán toàn diện các dự án BOT để lập lại trật tự, công bằng cho cả nhà đầu tư và người dân. Còn như hiện nay, nhiều dự án BOT đang là một lực cản đối với sự tăng trưởng, tạo thêm những điểm nóng cản trở phát triển kinh tế – xã hội./.
VOV-VN
Ý kiến ()