Chủ Nhật, 24/11/2024 20:37 (GMT +7)

Trên 50% số tỉnh, thành có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng mạnh

Thứ 4, 24/05/2017 | 13:09:00 [GMT +7] A  A

Ngày 23/5, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo đánh giá 1 năm triển khai “Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân của vấn đề này là do những hệ lụy, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, muốn có con trai nối dõi của người dân. Bên cạnh đó, khi các tiến bộ kĩ thuật, công nghệ cao ngày càng phát triển thì việc lựa chọn, áp đặt giới tính thai nhi ngày càng cao, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nhưng lại chưa có chế tài nào răn đe.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, sau một năm triển khai, đề án đã được 41 tỉnh, thành phố phê duyệt. 38 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu về khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 26 tỉnh thành phố bố trí kinh phí của địa phương để triển khai thực hiện đề án.

Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 14.438 hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề thu hút hơn 500.000 lượt người tham gia; mở 5.693 buổi phổ biến giáo dục pháp luật dân số cho hơn 194.000 lượt người; tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai… Sau một năm triển khai, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên ở một số địa phương chỉ tiêu này không đạt mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp.

Hội thảo cũng nêu ra thực trạng hơn 50% số tỉnh, thành phố tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014 có 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ. Năm 2015, giảm xuống 13/63 tỉnh, thành phố. Năm 2016, tăng lên 22/63 tỉnh, thành phố.

Theo đại diện của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động của đề án còn chậm triển khai. Năm 2016, các nội dung công việc mới tập trung chính vào hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án của tỉnh, triển khai đề án sau khi được phê duyệt nên chưa chú trọng các nhóm hoạt động thực hiện giải pháp các chính sách khuyến khích hỗ trợ. Vấn đề nguồn lực còn khó khăn do chậm kinh phí.

Bà Oxana Abovskaya, đại diện Quỹ hỗ trợ kĩ thuật của EU cho Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Trung ương, đến tháng 10 năm 2016 mới được giao tạm ứng kinh phí ngân sách Trung ương lần 1 nên nhiều hoạt động chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các hoạt động triển khai đề án thiếu tính đồng bộ, chưa có đột biến, chưa tạo thành phong trào. Việc kiểm tra, thanh tra không thường xuyên, liên tục, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn chưa quyết liệt, chưa có các chế tài răn đe. Các giải pháp can thiệp chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ Liên minh châu Âu và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc và Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong khu vực và quốc tế, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam. Nhiều kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện đề án đã được chia sẻ tại hội thảo.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu