Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 15:04 (GMT +7)
Trí thức trẻ ASEAN và Nhật Bản nêu đề xuất giảm ô nhiễm rác nhựa đại dương
Thứ 3, 16/03/2021 | 15:32:00 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 16/3, 22 trí thức trẻ đại diện cho thế hệ tương lai của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã thông qua tuyên bố chung, trong đó bày tỏ các quan ngại về vấn đề rác nhựa đại dương và nêu ra 13 đề xuất.
Đại dương đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và áp lực, trong đó có vấn đề ô nhiễm rác nhựa.
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong “Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tương lai về hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong vấn đề rác nhựa đại dương”, các trí thức trẻ của ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh: “Trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó định nghĩa ô nhiễm môi trường biển, chúng tôi quan ngại về việc rác nhựa (bao gồm rác nhựa có kích thước lớn và rác nhựa siêu nhỏ) gây ô nhiễm cho môi trường biển và các tác hại của vấn đề này đối với sự sống ở biển và sức khỏe của con người, và thừa nhận mối đe dọa của rác nhựa gây ô nhiễm môi trường biển đối với các thế hệ tương lai”.
Trên cơ sở đó, các trí thức trẻ đã đưa ra 13 đề xuất cho các bên liên quan, bao gồm khu vực Nhà
nước, khu vực tư nhân, giới học giả và người dân, để giải quyết vấn đề này. Trong số đó, các đề xuất đáng chú ý gồm: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực vật liệu và sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học; Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao kiến thức về rác nhựa đại dương giữa ASEAN và Nhật Bản; Tăng cường đổi mới công nghệ; Khuyến khích sự tham gia của các chính quyền và người dân địa phương; Giáo dục và nâng cao nhận thức ở các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản; Xây dựng hành lang pháp lý để xử phạt đối với các hành vi xả thải rác nhựa không theo quy định và tính phí sử dụng túi nilon; Tăng cường quản lý và tái chế rác thải; và Tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa ASEAN và Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ ký kết tuyên bố chung do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức ở Tokyo, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh các ngành kinh tế biển và tài nguyên biển là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng ở nhiều nước. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và áp lực, trong đó có vấn đề ô nhiễm rác nhựa. Vì vậy, ông kêu gọi tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản để giải quyết vấn đề này nhằm bảo tồn đại dương cho các thế hệ tương lai.
Về phần mình, Giáo sư Takaaki Kajita, một trong số ít các nhà khoa học Nhật Bản đã từng đạt giải Nobel Vật lý, khẳng định sự ủng hộ với tuyên bố chung này, đồng thời bày tỏ hy vọng các trí thức trẻ ASEAN và Nhật Bản sẽ tích cực nghiên cứu và tìm ra các giải pháp cho vấn đề rác nhựa đại dương.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Luật Nguyễn Thị Thanh Trà, một trong hai đại diện Việt Nam tham gia ký kết tuyên bố chung, chia sẻ: “Trong tuyên bố chung này, rất nhiều chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có ba giải pháp mà tôi cảm thấy tâm đắc là: phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ; giáo dục và nâng cao ý thức cho người dân về vấn đề rác nhựa đại dương; khuyến khích phát triển các thành phố kết hợp giữa công nghệ và năng lượng sạch”.
Việc xây dựng “Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tương lai về sự hợp tác ASEAN-Nhật Bản đối với vấn đề rác nhựa đại dương” là một dự án được AJC hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong việc xử lý rác nhựa đại dương. Tham gia dự án này có 22 sinh viên đại học và sau đại học của Nhật Bản và 10 nước thành viên ASEAN. Họ được tuyển chọn từ gần 60 sinh viên xuất sắc đang học ở Nhật Bản. Kể từ tháng 11 năm ngoái, 22 sinh viên này đã làm việc với nhau để soạn thảo tuyên bố chung này dưới sự hướng dẫn và trợ giúp Giáo sư Atsuhiko Isobe của Đại học Kyushu, và Giáo sư Takaaki Kajita của Đại học Tokyo.
https://baotintuc.vn/the-gioi/tri-thuc-tre-asean-va-nhat-ban-neu-de-xuat-giam-o-nhiem-rac-nhua-dai-duong-20210316130642002.htm
Ý kiến ()